Đa dạng dịch vụ, an toàn, liên kết nhiều ngân hàng… là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc lựa chọn ví điện tử của người dùng. Tuy nhiên, người dùng hiện nay còn cần nhiều hơn thế.
Từ yêu cầu cơ bản…
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, đa dạng về dịch vụ và địa điểm thanh toán là 1 trong 6 yếu tố quan trọng tác động đến quyết định lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng.
Chính sự đa dạng về dịch vụ và địa điểm thanh toán là lý do anh Hoàng Thiện (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) chuyển sang dùng ví điện tử thay cho các app ngân hàng. “Ban đầu, tôi dùng ví vì muốn hưởng khuyến mãi nhưng càng dùng càng thấy nhiều cái lợi khác. Khi ngân hàng điện tử chỉ “lèo tèo” vài dịch vụ thanh toán truyền thống thì các ví điện tử “có tiếng” đã phục vụ tất tật các nhu cầu từ ăn uống, đi lại, mua sắm đến giải trí, đặt vé xem phim, khách sạn…” – anh nói.
Còn với chị Ngọc Lan (Q. Tân Bình, TP. HCM), hiện tại mỗi khi cần thanh toán điện nước, Internet hay nạp card điện thoại, chị đều dùng ví điện tử. “Tôi xài cùng lúc 3 ví điện tử: MoMo, ZaloPay để trả tiền điện thoại, hoá đơn, mua vé xem phim, vé máy bay, Moca thì sử dụng thanh toán cho dịch vụ đặt xe, giao đồ ăn của Grab. Nhưng Moca cũng có thêm các dịch vụ tương tự 2 ví kia nên tôi dùng thường xuyên hơn.”
Tại 2 thị trường lớn là TP. HCM và Hà Nội, MoMo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử dẫn đầu thị phần với 90% người dùng. Việc tăng sự hiện diện ở nhiều mảng thanh toán giúp 3 ví này có được lượng người dùng đông đảo. Gần đây, MoMo bắt đầu xâm lấn vào thị trường dịch vụ công để cung cấp cổng thanh toán cho các loại hóa đơn định kỳ. Ngoài ra, ví điện tử này cũng cho phép người dùng thanh toán cho các giao dịch trên App Store, Apple Music, Google Play…
Còn với Moca, chỉ tính đến hai dịch vụ cơ bản là đặt xe và giao thức ăn được tích hợp trên nền tảng Grab, ví điện tử này cũng có được lượng người dùng không nhỏ vì đây là hai dịch vụ cốt lõi được sử dụng hằng ngày với tần suất cao. Trong kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái của mình, Grab lại càng giúp Moca tăng tốc khi ví được chấp nhận tại nhiều địa điểm, từ quán ăn, tiệm cà phê, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim, thậm chí cửa hàng sách, thời trang…. từ đó cạnh tranh với MoMo tại các địa điểm này.
Bên cạnh sự đa dạng về dịch vụ thanh toán, một yếu tố cơ bản nữa mà người dùng quan tâm đến khi lựa chọn ví điện tử chính là tính an toàn, bảo mật. “Tôi thấy các ví mình dùng hiện tại đều tích hợp sinh trắc vân tay, nhiều tầng bảo mật, thông tin mã hoá nên cũng yên tâm khi sử dụng chắc chắn an toàn hơn so với thanh toán thẻ.” – chị Lan nói thêm.
Bên cạnh đó, muốn kích hoạt ví điện tử, người dùng phải có tài khoản ngân hàng nằm trong danh sách liên kết của ví. “Có mấy ví cũng muốn thử coi sao nhưng không có kết nối với ngân hàng tôi đang dùng nên đành chịu” – anh Thiện cho biết. Do đó, liên kết với nhiều ngân hàng là lợi thế lớn của ví điện tử. Xét về điểm này, Moca và MoMo là 2 ví điện tử kết nối với nhiều ngân hàng nhất hiện nay tới 24 ngân hàng.
Càng tiện lợi càng đòi hỏi cao
Theo bà Lê Xuân Phương, Phó giám đốc nghiên cứu tại Cimigo, các vấn đề như an toàn và bảo mật, liên kết với nhiều ngân hàng cũng như đa dạng về dịch vụ và địa điểm thanh toán vốn chỉ mới là các tiêu chí cơ bản trong việc lựa chọn ví điện tử. Trong khi đó, để giữ chân khách hàng và gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, các thương hiệu ví điện tử cần đẩy mạnh thêm yếu tố mang tính thúc đẩy, trong đó bao gồm các chương trình khuyến mãi đa dạng và thường xuyên.
Không thể phủ nhận, các chiến dịch khuyến mãi rầm rộ luôn tỏ ra hiệu quả trong việc thu hút người dùng của các ví điện tử. Hầu như mỗi ngày, với bất cứ giao dịch nào, các ví điện tử đều có “cớ” để hoàn tiền hay giảm giá cho người dùng, từ vài đến vài chục phần trăm giá trị thanh toán. Nếu không có chiết khấu, người dùng cũng được cộng điểm giao dịch để hưởng nhiều ưu đãi về sau.
“Tôi thấy thanh toán bằng ví điện tử lúc nào cũng có ưu đãi, trong mùa dịch khuyến mãi lại càng đậm hơn. Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội vừa qua, gia đình tôi trường thanh toán các dịch vụ hỗ trợ như đi siêu thị hộ, giao đồ ăn… qua ví điện tử để vừa hạn chế ra khỏi nhà vừa tiết kiệm chi phí. Như tôi đặt món qua GrabFood, thanh toán qua Moca và chọn thêm khuyến mãi đổi từ điểm GrabRewards có khi chỉ phải trả nửa giá món ăn.” – chị Thu Hà (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) chia sẻ.
Tuy nhiên, giữa các ví điện tử lớn trong mảng thanh toán di động, ngoài hiểu và đáp ứng các nhu cầu trên, liệu ví nào đang có được nhiều khách hàng trung thành cũng như tiềm năng bứt phá trong tương lai?
MoMo là tay chơi có nhiều kinh nghiệm, tích lũy được lượng người dùng đông đảo nhờ tiên phong khai phá thị trường. Không kém cạnh, sinh ra trên nền tảng Zalo, ZaloPay cũng có được lượng người dùng “không phải dạng vừa”. Riêng Moca, khi hệ sinh thái dịch vụ thiết yếu của Grab đang ngày càng phát triển với lượng người dùng khổng lồ, chiếc ví này chắc chắn sẽ khiến các đối thủ phải “hụt hơi” trong việc bắt kịp về tần suất thanh toán.
Thống kê của Cimigo cho thấy, Moca đang dẫn đầu về tần suất thanh toán với 2,2 giao dịch mỗi ngày, cao hơn MoMo (2 giao dịch) và ZaloPay (1,6 giao dịch). Hơn nữa, ngay cả khi không có khuyến mãi, Moca vẫn được 95% khách hàng lựa chọn tiếp tục sử dụng. Tỷ lệ này của MoMo là 89% và ZaloPay là 84%.
Nhiều khách hàng sử dụng cùng lúc nhiều ví điện tử cũng bắt đầu có sự cân nhắc. “Tôi thấy khó mà cân – đong nặng nhẹ khuyến mãi giữa các ví điện tử lớn hiện nay bởi kẻ chín lạng, người nửa cân. Nên nếu cần thiết chọn 1 ví chủ chốt để sử dụng thường xuyên và lâu dài, thì cái nào cho mình trải nghiệm tốt, lại có thể sử dụng để thanh toán được nhiều dịch vụ từ cơ bản, thiết yếu đến nâng cao cùng lúc thì nên chọn.” – anh Hoàng Thiện phân tích.
Dự báo, yêu cầu và đòi hỏi của người dùng về việc lựa chọn ví điện tử sẽ còn khó khăn gấp nhiều lần nữa trong thời gian tới. Liệu các tay chơi fintech sẽ tung thêm nước cờ gì để có thể thắng thế trong việc chiếm lấy lòng tin của những “thượng đế”?
Theo Vietnamfinance