Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Sáng nay (8/5), phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Nằm trong chương trình dự phòng (nếu chuẩn bị kịp sẽ xem xét) là chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến Bắc-Nam phía Đông. Nếu đủ điều kiện thì sau đó nội dung này sẽ được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, sẽ bắt đầu từ ngày 20/5 tới đây.
Trong khi chờ Quốc hội bấm nút, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông thì dự án vẫn triển khai song song theo hai hình thức là đầu tư công và PPP.
Quá trình này, trong một báo cáo mới được gửi đến Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan được giao giám sát các công trình trọng điểm quốc gia), Bộ GTVT kêu khó về nguồn vốn tín dụng trong nước.
Báo cáo của Bộ dẫn chứng: một số dự án có nhu cầu vận tải lớn khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng. Mặt khác, về năng lực nhà đầu tư trong nước thì qua sơ tuyển các dự án cho thấy, các doanh nghiệp có thế mạnh về tài chính chưa quan tâm.
Tiến độ triển khai dự án cũng khiến Bộ này lo lắng. Theo thông tin từ Bộ GTVT, sau khi chuyển đổi từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu rộng rãi nhà đầu tư trong nước, đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành bước sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong đó, có 7 dự án có tối thiểu 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Phan Thiết – Dầu Giây. Còn lại một dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển.
Bộ GTVT cho hay, đối với 7 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam đã có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, theo quy định của Luật Đấu thầu, sẽ tiếp tục triển khai bước đấu thầu.
Bộ sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư trong tháng 5/2020, thời gian tối thiểu theo quy định để triển khai giai đoạn đấu thầu khoảng 6 tháng.
Trường hợp đấu thầu thành công dự kiến sớm nhất có thể lựa chọn được nhà đầu tư khoảng đầu tháng 11/2020, tiếp theo là giai đoạn đàm phán ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020 và bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2021.
Để đảm bảo tiến độ triển khai theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ quy định: nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực.
Như vậy, trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2020 cũng chưa thể khẳng định có thể triển khai được ngay các dự án thành phần PPP trong năm 2021.
Trường hợp nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng, Bộ Giao thông vận tải phải huỷ hợp đồng và Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong một số cuộc họp gần đây và cả trong báo cáo mới được gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều đề nghị cần nhanh chóng giải quyết những ách tắc trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt, nhằm giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có đường cao tốc Bắc-Nam…
Liên quan đến 8 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông, song song với việc lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dưới hình thức PPP theo Nghị quyết 52 của Quốc hội, để đáp ứng yêu cầu cấp bách triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển toàn bộ 8 dự án PPP sang đầu tư công.
Đến nay, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng báo cáo thẩm định điều chỉnh dự án đầu tư 8 dự án thành phần. Đồng thời, đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các thủ tục theo quy định để đáp ứng yêu cầu khởi công các dự án trong tháng 8/2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
7/8 dự án thành phần có tối thiểu 2 nhà đầu tư với tổng cộng 18 liên danh nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 1 dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển. Tại Dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 có 2 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Thành Công – Huyndai Thành Công Việt Nam – Cienco4; Trung Nam – Miền Trung – Cường Thịnh Thi – Lắp máy Trung Nam – CM Việt Nam. Tại Dự án Quốc lộ 45 – Nghi Sơn có 2 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Cienco4 – Hòa Bình – Thuận An – Tân Thành Đô – Công ty 18; Licogi16 – FECON – 468 – Điền Phước – Công ty CP Hạ tầng và phát triển đô thị FECON. Tại Dự án Nghi Sơn – Diễn Châu có 2 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Tân Nam – Vinaconex – Thái Sơn; Hòa Hiệp – Vinaconex2 – Cienco4 – Núi Hồng. Tại Dự án Diễn Châu – Bãi Vọt có 3 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Hòa Hiệp – Vinaconex 2- Cienco4 – Núi Hồng; Đèo Cả – Hải Thạch – Hà Thanh – Hoang Long – Tiến Đại Phát; Vinaconex – Tân Nam – HCJ. Tại Dự án Nha Trang – Cam Lâm có 5 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Vinaconex – Duy Tân – Trường Long; Cienco4 – Thuận An – Tân Thành Đô; Sơn Hải; Miền Trung – Cường Thịnh Thi – Cienco1 – 873 – 168; Phương Thành – Nguyên Minh – Nhạc Sơn – Tự Lập. Tại Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo có 4 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Trung Nam – Horizon – Hải Đăng – Sơn Hải; Vinaconex – VN.EDTEI – FECON; Đèo Cả – Hải Thạch – 194; Cienco4 – Hòa Bình – Giao thông 18 – Phương Thành – Thuận An. Tại Dự án Phan Thiết – Dầu Giây có 3 liên danh nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Thành Công – Huyndai Thành Công Việt Nam – Cienco4; Novaland – Vinaconex – Rạng Đông; Đèo Cả – 194 – Cienco6 – IDICO – Địa ốc Sài Gòn Thương Tín. Đối với dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo – Phan Thiết), Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. |