Chuyển tới nội dung

5 trụ cột chiến lược để Việt Nam – EU tận dụng tốt hơn EVFTA

Để tận dụng tốt hơn EVFTA, Việt Nam và EU cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, nơi EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu phát triển.

EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã đưa thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu tăng trưởng nhanh chóng. Nếu năm 2019, xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt 49,8 tỷ USD, thì đến cuối năm 2024, con số này đã tăng lên 68,4 tỷ USD.

Với những số liệu này, ông Nguyễn Văn Thảo – Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ nhận định, trong 5 năm qua, Hiệp định EVFTA đã chứng minh vai trò là một công cụ hợp tác kinh tế quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều biến động lớn ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng. EVFTA không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, mà còn góp phần làm giảm thiểu gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khối 27 nước thành viên EU, những nước giao thương với Việt Nam nhiều nhất là Đức, Hà Lan, Italy, Pháp…

Với thị trường Đức, 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Đức tăng 23,3% và đạt gần 4,5 tỷ USD. Bà Đặng Thị Thanh Phương – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, EVFTA đang là động lực thúc đẩy xuất nhập khẩu hai nước, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt tăng trưởng ổn định. Riêng năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam sang Đức đạt 1,3 tỷ USD (tăng 32% so với 2023); nhập khẩu từ Đức đạt gần 200 triệu USD (tăng 23,9%).

Chưa kể, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước mang tính bổ trợ cho nhau, Việt Nam xuất cà phê, thủy sản, hạt điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, chè và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, cói, thảm… và nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu phân bón, cao su…

Hiện nay, Đức không chỉ là thị trường nông sản lớn thứ 7 của Việt Nam, mà còn là cửa ngõ quan trọng để hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường EU với hơn 500 triệu dân và tổng nhu cầu nhập khẩu thực phẩm lên tới khoảng 160 tỷ Euro/năm.

EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về thuế quan mà còn thúc đẩy cải cách về quy tắc xuất xứ, nâng cao chất lượng quản lý hàng hóa, mở rộng tiếp cận các dịch vụ logistics, tài chính và bảo hiểm.

Tương tự, với thị trường Pháp, ông Vũ Anh Sơn – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp nhìn nhận, EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về thuế quan mà còn thúc đẩy cải cách về quy tắc xuất xứ, nâng cao chất lượng quản lý hàng hóa, mở rộng tiếp cận các dịch vụ logistics, tài chính và bảo hiểm.

Nhờ EVFTA, các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, nông, thủy sản… của Việt Nam ngày càng được đón nhận rộng rãi tại Pháp. Từ đó, tạo đà lan tỏa thuận lợi sang các thị trường EU khác.

Cùng với sản phẩm xuất khẩu truyền thống dệt may, giày dép…, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, điều, tiêu, gạo và trái cây đã từng bước thâm nhập và hiện diện tại các hệ thống phân phối lớn của Pháp.

Đầu tháng 6/2025, những trái vải tươi đầu tiên của Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Paris Charles de Gaulle và có mặt ngay trên kệ siêu thị của Pháp. Đây là hoạt động xuất khẩu mở màn cho chiến dịch xúc tiến tiêu thụ vải Việt Nam tại thị trường Pháp và châu Âu” – ông Vũ Anh Sơn thông tin.

Đáng chú ý, EVFTA không chỉ là “xa lộ hiện đại” thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại giữa hai bên. Hiệp định cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng vốn đăng ký của EU tại Việt Nam đạt trên 35 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm, logistics. Một số dự án tiêu biểu như: Lego (1 tỷ USD), Bosch (340 triệu USD), BW Industrial (100 triệu USD)…

Thông qua EVFTA, Việt Nam đang nắm giữ nhiều lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Ông Bruno Jaspaert – Chủ tịch EuroCham nhận định, Việt Nam đang nắm giữ nhiều lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được. Đó là vị trí địa chiến lược, trữ lượng đất hiếm lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động dồi dào và Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên mọi chặng đường phát triển. Khả năng thích ứng, thu hút đầu tư và duy trì đà tăng trưởng sẽ là yếu tố then chốt định hình tương lai dài hạn của Việt Nam.

Tháo gỡ các rào cản

Dù đã có “tấm hộ chiếu” là Hiệp định EVFTA, song hoạt động xuất khẩu, giao thương giữa Việt Nam – EU vẫn đang đối diện với không ít thách thức. Với thị trường Pháp, trong ngắn hạn, rào cản lớn là các quy định phi thuế quan của EU.

“Mặc dù Hiệp định EVFTA đã xóa bỏ phần lớn thuế quan, hàng hóa Việt Nam vẫn phải trải qua quá trình chứng nhận chất lượng, kiểm định an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rất chặt chẽ.

Thủ tục phức tạp và thời gian chờ đợi lâu khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là các đơn vị vừa và nhỏ chùn bước. Đây có thể nói là rào cản rất lớn, khiến doanh nghiệp Việt Nam khó xây dựng được chiến lược, định hướng xuất khẩu vào Pháp nói riêng và châu Âu nói chung” – ông Vũ Anh Sơn thông tin.

Bên cạnh đó, chi phí logistics vẫn còn là “gánh nặng” đáng kể; thương mại dịch vụ và đầu tư trực tiếp song phương vẫn chưa phát triển tương xứng với thương mại hàng hóa…

Về dài hạn, ông Sơn cho biết, EVFTA đã mở ra khung khổ ưu đãi rõ ràng, nhưng lộ trình dỡ bỏ thuế quan kéo dài tới năm 2030 vẫn có khoảng 0,3% dòng thuế EU nhập khẩu từ Việt Nam chưa được xóa bỏ hoàn toàn hoặc đang áp dụng hạn ngạch. Cùng với đó, việc nắm bắt và tận dụng các ưu đãi còn chậm do thiếu kinh nghiệm trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tháo gỡ các rào cản cũng như giúp doanh nghiệp Việt Nam và EU tận dụng tốt EVFTA hơn nữa, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam và EU cần tập trung vào 5 trụ cột hợp tác chiến lược.

Chính vì vậy, tháo gỡ các rào cản cũng như giúp doanh nghiệp Việt Nam và EU tận dụng tốt EVFTA hơn nữa, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam và EU cần tập trung vào 5 trụ cột hợp tác chiến lược.

Thứ nhất là sự đồng thuận trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, bảo đảm công bằng, minh bạch và bền vững.

Thứ hai là nỗ lực chung nhằm đa dạng hóa hợp tác và hội nhập quốc tế, với Việt Nam hiện là đối tác trong 17 hiệp định thương mại tự do và giữ vai trò trung tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU.

Thứ ba là tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu phát triển cấp thiết.

Thứ tư là cải cách thể chế, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Cuối cùng là thúc đẩy đầu tư từ EU, không chỉ về quy mô mà còn về chiều sâu, góp phần tăng cường gắn kết kinh tế và phát triển bền vững.

Như vậy, trong tương lai EVFTA sẽ tiếp tục là động lực then chốt giúp nâng tầm quan hệ Việt Nam – EU, hướng đến một đối tác chiến lược thực chất và toàn diện trong giai đoạn phát triển mới.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã đưa thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu tăng trưởng nhanh chóng. Nếu năm 2019, xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt 49,8 tỷ USD, thì đến cuối năm 2024, con số này đã tăng lên 68,4 tỷ USD.

Hoàng Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved