Bộ Tài chính kiến nghị, từ 16/5, khẩu trang y tế có thể xuất khẩu mà không cần được cấp giấy phép khi đã chủ động được nguồn cho trong nước.
Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi khoản 1 Nghị quyết số 20 của Chính phủ về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
“Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 sau khi bảo đảm ký hợp đồng mua đủ số lượng vật tư y tế, khẩu trang y tế theo phê duyệt của Thủ tướng để thực hiện nhiệm vụ chống dịch nhưng không chậm quá 15/5. Từ ngày 16/5, bỏ việc quản lý xuất khẩu khẩu trang y tế bằng việc cấp giấy phép”, Bộ Tài chính kiến nghị.
Bộ Tài chính cho biết đề xuất trên căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, căn cứ vào kết quả Bộ Y tế đã thực hiện và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính doanh nghiệp trong nước đã cơ bản chủ động được nguồn nguyên vật liệu, sản xuất trên 7 triệu chiếc khẩu trang y tế và trên 6 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn mỗi ngày, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, số lượng khẩu trang còn lại cần mua theo kế hoạch không lớn, số lượng hàng Bộ Y tế đã ký hợp đồng khả năng sẽ nhận được trong tháng 4.
Với kiến nghị này, từ nay tới 15/5, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Y tế vẫn áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế sau khi mua đủ số lượng cho nhiệm vụ chống dịch, theo phê duyệt của Thủ tướng.
Hiện trong nước áp dụng chế độ cấp phép xuất khẩu với khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch và chỉ cho phép xuất khẩu vì mục đích viện trợ, hỗ trợ khẩu trang y tế do Chính phủ thực hiện, số lượng không quá 25% tổng số lượng khẩu trang y tế sản xuất trong nước, theo Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ.
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 20 và 22/4, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 theo nguyên tắc cho xuất khẩu số khẩu trang sản xuất được trên cơ sở bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng trong nước (kể cả dự trữ).
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã được Chính phủ giao chủ trì, thực hiện hiệp thương giá theo quy định khi mua sắm khẩu trang y tế và các vật tư, thiết bị phòng chống dịch được sản xuất trong nước. Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp danh mục các mặt hàng hiệp thương giá.
Bộ Y tế đã mua sắm theo hình thức chỉ định thầu và đã ký hợp đồng mua 46,15 triệu chiếc khẩu trang y tế, 268.000 khẩu trang N95, 234.300 bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 1-2… Trong đó, nhiều sản phẩm đã được cấp cho các đơn vị sử dụng, phần còn lại giao theo tiến độ đến 30-5.
Trước đó, ngày 28/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, một số doanh nghiệp đã thắc mắc về việc xuất khẩu khẩu trang vải (bao gồm cả khẩu trang vải kháng khuẩn và phản ánh những khó khăn trong việc xuất khẩu khẩu trang vải, chủ yếu do khó khăn trong việc phân biệt khẩu trang vải và khẩu trang y tế.
Đến ngày 10/4, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến khả năng cung ứng và nhu cầu trong nước, khả năng xuất khẩu khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. Theo báo cáo, khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn được các đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và quy định tại Quyết định số 870 ngày 12/3 của Bộ Y tế, không phải khẩu trang y tế nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 20.
Về xuất khẩu đối với khẩu trang y tế, Bộ Y tế cũng có kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/NQ-CP theo hướng cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế theo nguyên tắc bảo đảm nhu cầu sử dụng, còn lại được xuất khẩu.
Các đơn vị xuất khẩu phải tập trung cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh gia tăng nhanh thì lập tức dừng việc xuất khẩu khẩu trang y tế.
Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện đang có 20 doanh nghiệp dệt may đang xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn, tính đến cuối tháng 3, lượng khẩu trang cung ứng ra thị trường đạt gần 60 triệu chiếc. Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Y tế, đến cuối tháng 3, Việt Nam cần khoảng 30 triệu chiếc khẩu trang. Như vậy với năng lực sản xuất hiện nay, ngành dệt may hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất khẩu trang trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất phương án được Nhà nước hỗ trợ tìm đơn hàng xuất khẩu khẩu trang.