TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, trong bất kể nền kinh tế nào luôn có 3 thị trường chính là thị trường lao động, thị trường hàng hóa, và thị trường tài chính. Trong đó, thị trường tài chính đã chiếm tới 323% GDP năm 2019. Do quy mô đã gấp 3 lần quy mô nền kinh tế, nên nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Theo TS. Cấn Văn Lực, có 4 thách thức lớn, mà thị trường tài chính Việt Nam đang đối mặt:

TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá”

Thứ nhất, thể chế cho kinh tế số, ngân hàng số chậm quá; cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như của mỗi doanh nghiệp còn phân tán.

Thứ hai, rủi ro bên ngoài ngày càng phức tạp, sẽ ảnh hưởng tới giá dầu, giá vàng, tỷ giá…

Thứ ba, là vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng chuẩn Basel II, áp lực trả nợ công…

Thứ tư, là vấn đề an ninh mạng. Năm 2019, số vụ tấn công mạng đã tăng 104%, trong khi chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết có khả năng nhận biết rủi ro an ninh mạng. Rủi ro tài chính đang đan xen, nhưng chưa có đầu mối chung để phòng ngừa cũng như quản lý, đây là rủi ro hệ thống. “Chúng ta sẽ quản lý nền kinh tế tài chính như thế nào trong bối cảnh đã có tới 58 ngân hàng trung ương đang nghiên cứu thành lập đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình?“, TS. Cấn Văn Lực đặt vấn đề.

Nhìn nhận lại thị trường tài chính năm 2019, các chuyên gia tài chính đánh giá thị trường tài chính phát triển tích cực hơn và lành mạnh hơn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn, giảm bớt phát hành trái phiếu lãng phí, lượng cung tiền ra nền kinh tế tốt, đảm bảo mức lạm phát ở mức 2,73%. Ngoài ra, khả năng chống chịu của nền kinh tế tốt hơn, với dự trữ ngoại hối lên tới gần 80 tỷ USD, tương đương với 3,7 tháng nhập khẩu. Tuy đây chưa phải là một mức cao, nhưng là kỷ lục từ trước tới nay. “Trong những năm tới, chúng ta cần phấn đấu dự trữ ngoại hối tương đương với 6 đến 8 tháng nhập khẩu”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Những kết quả nói trên là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp Việt Nam tiến nhanh trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa được WEF công bố, từ 77 lên 67 trong số 141 nền kinh tế. Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng “cho điểm” thể chế trong năm qua ở mức tích cực với nhiều cải thiện, như Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được thông qua, Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách quan trọng liên quan đến lãi suất, thanh khoản, tín dụng. Đáng chú ý nền kinh tế số, ngân hàng số, fintech đang được hình thành dù còn một số bất cập.

Huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 khá tốt, với 250 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2018.

Trong khi đó, huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá tốt, với 250 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2018. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực lưu ý các bên cần phải tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng.

Tăng trưởng vốn năm 2019 trong nền kinh tế ở mức 12%, theo đánh giá của các chuyên gia là rất lạc quan, trừ một số điểm chưa hấp thụ được. Tăng trưởng tín dụng năm qua cũng tăng 13,7%, đây là mức tăng trưởng tương đối tích cực, và đang được điều chỉnh giảm dần. Hiện tín dụng vẫn chiếm 135% GDP, mức tương đối cao so với quy mô nền kinh tế cũng như mức độ phát triển kinh tế. Kết thúc năm 2019, nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ở VAMC khoảng 4,6%. Theo đó, kế hoạch đưa nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020 là tương đối khả thi.

Có thể nói thị trường tài chính đã và đang tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phát triển ổn định và kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý. Tuy vậy, những thách thức trong năm 2020 mà nền kinh tế phải đối mặt vẫn còn đó.