Tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, đã 4 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mới.

Hiện số bệnh nhân là 268, trong đó 202 người đã khỏi bệnh, chỉ còn 66 ca đang điều trị. 

Biểu đồ số ca mắc do Bộ Y tế công bố cho thấy, từ ngày 4/4 số ca mắc đã giảm dần, chỉ trung bình ghi nhận 5 ca/ngày. Trong đó, có những ngày 5, 11, 14, 15, 16 tháng 4 cả nước chỉ ghi nhận thêm một ca mắc mỗi ngày. Ca bệnh gần nhất được ghi nhận là Bệnh nhân 268 ở Hà Giang. Người này được công bố cách đây 4 ngày (sáng 16/4).

Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 ở nước ta chuyển sang giai đoạn 3, thời gian chưa ghi nhận ca mắc mới kéo dài lâu như vậy.

Nhận định về tình hình này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay: “Nhiều ngày không có ca mắc mới, các ổ dịch được xét nghiệm cũng không phát hiện thêm ca mắc mới, đó là một tín hiệu tốt, khả quan”.

Tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, có khả năng các ca mắc chưa được phát hiện ra. Do đó, thời điểm này vẫn rất cần sự cảnh giác trong cộng đồng.

“Dù có tín hiệu vui nhưng 3-4 ngày không ghi nhận ca mắc chưa nói được gì, phải 14 ngày liên tiếp kể từ ngày không ghi nhận thêm ca mắc thì mới có ý nghĩa đánh giá dịch đã lui hay chưa”, PGS TS Nguyễn Huy Nga nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, khẳng định tình hình các ổ dịch vẫn còn diễn biến phức tạp với ổ dịch của Công ty TNHH Trường Sinh tại Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch Hạ Lôi, ổ dịch tại Sam sung.

PGS, TS Nguyễn Hồng Hà cho rằng, khi phát hiện có ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng và mất dấu F0 – nguồn phát sinh đầu tiên (F0) thì nguồn này vẫn vô hình trong cộng đồng. Đây vẫn là mối nguy lây bệnh cho mọi người dân.

Nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lo ngại khi thực tế nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng rất nhẹ nên không vào viện để được tiến hành xét nghiệm. Do đó, số lượng người nhiễm này đã bị bỏ qua. “Chúng ta phải tiếp tục theo dõi trong thời gian tới để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp”, PGS Hồng Hà nói.

Đồng quan điểm, PGS, TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, giãn cách xã hội chính là yếu tố quan trọng mang tới thành công trong khống chế dịch không bùng phát.

“Đây là một dịch bệnh phức tạp và thế giới còn đang gồng mình để chống lại nó, thì Việt Nam cũng không thể lơ là, chủ quan, nếu không sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, nếu không tiếp tục giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện để virus lây lan”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đặc biệt lưu ý về Hà Nội và các vùng lân cận có nguy cơ luôn lớn do đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội, Hà Nội gần đây cũng lâm vào tình cảnh các ca “mất dấu” F0.

Đặc biệt chuyên gia cho rằng, mặc dù về bản chất nhiệt độ cao sẽ khiến SARS-CoV-2 bị tiêu diệt song dịch do virus này gây ra lây lan qua tiếp xúc gần bởi những giọt bắn trực tiếp hoặc rơi vào bề mặt, sau đó tay chạm phải và đưa virus vào cơ thể qua mũi, miệng.

Do đó, kể cả thời tiết thuận lợi, dịch vẫn bùng phát nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo như giãn cách xã hội, giữ khoảng cách tiếp xúc 2 m, đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng… PGS TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân phải liên tục thực hiện các biện pháp này, tuyệt đối không lơ là.

Việc chống dịch là việc cần phải có sự đồng lòng của toàn dân. Do đó, dù mọi tín hiệu lạc quan, nhưng các chuyên gia dịch tễ đều khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm giãn cách xã hội và các biện pháp bảo vệ bản thân khi ra ngoài cộng đồng.

Bệnh nhân 188 dương tính trở lại

PGS. TS Trần Đắc Phu nhận định, trường hợp bệnh nhân 188 là bệnh nhân thứ hai ở Việt Nam dương tính lại sau xuất viện. “Tái dương tính là điều hoàn toàn có thể xảy ra, dù không phải số nhiều”, ông nói.

Tuy nhiên, theo PGS TS Trần Đắc Phu, những người tái dương tính trên lý thuyết có khả năng lây lan cho người khác. Tuy nhiên, hiện cũng chưa ghi nhận các ca lây nhiễm thứ phát từ các bệnh nhân này.

Bệnh nhân 188 sau khi ra viện phải cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Ca tái dương tính này không quá lo ngại do bệnh nhân chỉ tiếp xúc gần với chồng và con. Tương tự, “bệnh nhân 22” người Anh sau khi xuất viện đã tái dương tính nhưng không lây nhiễm cho ai. Khi trở về Anh, kết quả xét nghiệm của người này cũng âm tính.

Tuy vậy, ông Phu khuyến cáo người dân không được chủ quan, phải đặc biệt tuân thủ giãn cách xã hội, không tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên. Biện pháp này thực chất là không cho người bệnh tiếp xúc người lành.