Theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi Vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 07 tỉnh lân cận là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang.

vsip-bd

Cần xây dựng và phát triển các khu đô thị công nghiệp theo nhiều mô hình khác nhau như khu đô thị công nghiệp theo mô hình VSIP Bình Dương.

GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, vốn FDI của Vùng TP.HCM đã trở thành nguồn vốn quan trọng, động lực thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đóng góp lớn vào tăng trưởng tổng sản phẩm, thu ngân sách của các địa phương, tạo việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp, gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu và cải thiện cơ cấu hàng xuất khẩu, làm cho cán cân thanh toán quốc tế trở nên cân bằng và thặng dư, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại tệ.

Tuy nhiên, nếu xét theo quan điểm phát triển Vùng thì còn nhiều nhược điểm như chưa có sự kết nối giữa các địa phương với nhau, các KCN có cơ cấu đầu tư tương tự nhau, chưa đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng kỷ thuật- xã hội, chưa hình thành các thành phố công nghiệp sinh thái, đáp ứng tăng trưởng xanh và nhu cầu làm việc và sinh sống của người lao động tại các KCN.

Do đó, GS. TSKH Nguyễn Mại đưa ra 4 giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư FDI cho Vùng TP.HCM:

Một là: Nhà nước cần có chủ trương về xây dựng và phát triển các khu đô thị công nghiệp theo nhiều mô hình khác nhau như khu đô thị công nghiệp theo mô hình VSIP Bình Dương, “vùng sinh thái” kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái đô thị bằng cách giữ không gian xanh mở lớn, như Quy hoạch tổng thể vùng Ile-de-France năm 2010 ( Pháp) và thành phố ngoại ô – vành đai đô thị ngoại ô không có giới hạn mà theo nhu cầu sử dụng đã được xây dựng tại Mỹ. Mỗi mô hình cần được mô tả đủ rõ ràng với định hướng lâu dài để làm căn cứ cho các nhà hoạch định chính sách, cho chính quyền các địa phương và cho giới đầu tư thực hiện.

Hai là: Trên cơ sở Luật Quy hoạch, Chính phủ cần có chỉ dẫn đối với quy hoạch phát triển đô thị công nghiệp theo các mô hình để việc lập và thực hiện các quy hoạch bảo đảm đúng chủ trương của Nhà nước về xây dựng và phát triển các khu đô thị công nghiệp.

Việc điều chỉnh quy hoạch cũng cần được tiến hành khi hội đủ các điều kiện do Chính phủ quy định để tránh tình trạng “đô thị nhảy cóc” không bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.

Quá trình thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt cần được theo giõi, giám sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện và sữa chữa mọi vi phạm; phát huy vai trò giám sát của các tổ chức tư vấn độc lập và cộng đồng dân cư.

Ba là: Các nhà quản lý KCN và nhà đầu tư đều thấy cần thiết phải xây dựng Luật Khu đô thị công nghiệp, bởi vì đây là vấn đề có liên quan đến định hướng phát triển của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa, có liên quan đến đất đai, KCN, thương mại và dịch vụ, công trình kiến trúc ngoài KCN, vùng lõi và vùng ven đô, vành đai xanh bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng; hiện đang được điều chỉnh tại nhiều luật khác nhau, không bảo đảm tính hệ thống, thậm chí mâu thuẩn với nhau.

Luật Khu đô thị công nghiệp cần quy định cụ thể chính sách ưu đãi đất đai, thuế, thời gian thực hiện đối với từng loại đô thị; trong mỗi đô thị có sự phân biệt chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỷ thuật- xã hội, thực hiện dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ để thu hút được nhiều nhà đầu tư thực hiện xây dựng cùng một đô thị.

Bốn là: Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với KCN và Khu đô thị công nghiệp. Chính phủ, các Bộ, ngành rà soát các quy định về phân cấp quản lý, sửa đổi, bổ sung để hoàn chỉnh theo hướng vừa phát huy tính sáng tạo của địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất của trung ương; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế- kỷ thuật làm cơ sở để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Chính quyền địa phương rà soát, loại bỏ các quy định trái với luật pháp, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế- kỷ thuật để thực thi nghiêm chỉnh các quy định đó.