Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ nhằm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp niêm yết vẫn quyết định chi nhiều tiền mua cổ phiếu quỹ.
Doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ: Chủ đề gây tranh cãi
Thông thường, việc mua cổ phiếu quỹ được thực hiện khi doanh nghiệp dư dả tiền mặt và thị giá cổ phiếu giảm sâu dưới giá trị nội tại.
Xét trên khía cạnh ưu tiên của việc phân bổ tiền, doanh nghiệp sẽ theo các thứ tự căn bản sau: Một, chi trả các nghĩa vụ với các cơ quan nhà nước, người lao động, chủ nợ, nhà cung cấp, các chi phí vận hành khác.
Hai, tái đầu tư dòng tiền thặng dư vào hoạt động kinh doanh hoặc phân bổ vào các tài sản sinh lời tốt hơn.
Ba, chi đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc mua lại các doanh nghiệp khác.
Bốn, mua cổ phiếu quỹ, chia cổ tức tiền mặt. Vậy nhưng, trên sàn chứng khoán, không ít doanh nghiệp Việt Nam dường như đang làm ngược lại. Ước tính, tổng số tiền mà các doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu quỹ trong thời gian qua là hơn 3.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, dịch Covid-19 đã và đang gây ra sự ngưng trệ, xáo trộn trong hoạt động kinh doanh và cả nền kinh tế. Ngày 4/3/2020, Thủ tướng đã có Chỉ thị 11/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hướng tới những đối tượng có tuyến cuối là người dân, người lao động.
Việc cứu doanh nghiệp cũng là cứu người lao động. Còn việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ không mang lại lợi ích cho những người lao động không sở hữu cổ phần hoặc sở hữu rất ít.
Mua cổ phiếu quỹ có thể được xem là giải pháp cần thiết của doanh nghiệp nhằm bình ổn giá cổ phiếu và trấn an tâm lý nhà đầu tư trong đợt suy giảm sâu của thị trường chứng khoán hiện nay.
Tuy nhiên, nếu coi cổ phiếu quỹ là “đơn thuốc” cho giá cổ phiếu trong đại dịch, thì chưa hẳn đã hợp lý, với 4 lý do sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp là người mua cổ phiếu quỹ, nhưng đối tượng bán là nhà đầu tư nào thì không rõ. Ðiều này có thể nằm trong các cam kết của doanh nghiệp với các nhà đầu tư lớn và phương thức giao dịch có thể phần lớn là giao dịch thỏa thuận.
Thứ hai, ở khía cạnh biến động của thị trường chứng khoán là điều không thể dự đoán trước được vì thuộc phạm trù tâm lý trong ngắn hạn, việc ban lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng quá nhiều tới giá cổ phiếu không phải là biểu hiện của sự chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy, với đa số doanh nghiệp công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ, thị giá cổ phiếu sau đó không có sự cải thiện, mà biến động cùng với diễn biến chung của thị trường. Nhiều nhà đầu tư/chủ doanh nghiệp thành công từ chối bình luận về giá cổ phiếu trong giai đoạn này.
Thứ ba, sự tách bạch trong khía cạnh kinh doanh và thị trường chứng khoán là điều thiết yếu trong các quyết định phân bổ vốn.
Các doanh nghiệp có thể nhìn nhau và cùng sử dụng “đơn thuốc” này để cứu giá cổ phiếu, trong khi mỗi doanh nghiệp, ngoài chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh lại có những căn bệnh riêng khác nhau trong dài hạn.
Doanh nghiệp gặp khó khăn có thể xuất phát từ nội tại yếu kém, dịch Covid-19 chỉ là “xúc tác” đẩy doanh nghiệp nhanh chóng rơi vào khó khăn hơn. Quá trình tái cấu trúc cũng phải xuất phát từ những yếu tố nội tại yếu kém của doanh nghiệp.
Thứ tư, việc mua cổ phiếu quỹ nên được nhìn nhận một cách “nhất quán” (consistency), luôn nằm trong tư duy phân bổ vốn của ban lãnh đạo doanh nghiệp, hơn là việc nhân sự sụt giảm mạnh của thị giá để mua sau đó bán lại với giá cao hơn khi thị trường phục hồi.
Các CEO phân bổ vốn hiệu quả trên thế giới đều mua lại phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp trong suốt quá trình họ điều hành và không bán ra, trừ khi công ty có những thương vụ kinh doanh hấp dẫn.
Trong giai đoạn này, cá nhân ban lãnh đạo doanh nghiệp mua vào cổ phiếu mang ý nghĩa tích cực và hài hòa lợi ích hơn, vì không ảnh hưởng tới dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ít nhất ở khía cạnh thị giá đang tạm thời rẻ, chứ chưa cần xét tới kỳ vọng tăng giá từ triển vọng sáng trong tương lai. Ðây sẽ là “đơn thuốc” tốt cho tinh thần của các cổ đông.
Cuối năm 2019, có một làn sóng đăng ký mua cổ phiếu quỹ của các ngân hàng trong bối cảnh kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng khả quan. Sau đó, thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, nhưng một số ngân hàng vẫn mua vào cổ phiếu quỹ.
Trong khi đó, ngành ngân hàng cần tích cực triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với gói tín dụng 285.000 tỷ đồng.
Hiện tại, cả thế giới đang phải gồng mình vì dịch Covid-19 và dự báo khó khăn sẽ kéo dài. Tình trạng vỡ nợ tín dụng tiêu dùng đang bùng phát tại Trung Quốc, khả năng sẽ xuất hiện tại các quốc gia khác có tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP và số dư nợ thẻ tín dụng cao như Pháp, Thụy Sĩ, New Zealand, Úc, Mỹ.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp đang tăng, Chính phủ dự kiến tăng gói kích thích tài khóa từ 30.000 tỷ đồng lên 150.000 tỷ đồng…
Nhìn những thương vụ mua cổ phiếu quỹ trước đó của các ngân hàng có thể rút ra được bài học là các quyết định về mặt định lượng không phải lúc nào cũng giải thích được bằng các yếu tố định lượng, mà còn các yếu tố định tính như bối cảnh, sự phù hợp, tư duy độc lập…
Trong giai đoạn này, ban lãnh đạo một số doanh nghiệp chịu áp lực lớn từ diễn biến sụt giảm của giá cổ phiếu có thể có các động thái khác nhằm giữ giá cổ phiếu không rơi quá sâu, ảnh hưởng tới các nghĩa vụ nợ thế chấp của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng lên dòng tiền trong toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Cách thức quan tâm tới giá cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể được thể hiện bằng cách “làm đẹp” báo cáo tài chính thông qua sự chuyển dịch giữa các khoản mục, nhưng trên thực tế không phát sinh dòng tiền mới cho doanh nghiệp; thành lập quỹ riêng để hỗ trợ giá cổ phiếu…
Ðáy của thị trường có thể không liên quan đến đáy lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá
Xét trên góc độ nhà đầu tư, những cụm từ bắt gặp nhiều nhất trên các diễn đàn chứng khoán gần đây là “bắt đáy”, “bắt dao rơi”, sau đó là “hoảng loạn”, “chán nản”, “đóng bảng điện”.
Ðỉnh điểm của của sự hoảng sợ là việc đăng khắp các diễn đàn để xin lời tư vấn từ những môi giới/nhà đầu tư khác cho chính sự lựa chọn của mình trước đó.
Không chỉ diễn ra trên thị trường Việt Nam, mà tại các thị trường phát triển, các nhà đầu tư cũng rơi vào trạng thái sợ hãi tương tự.
Theo quan điểm của người viết, giai đoạn này “rất tuyệt vời” để nhà đầu tư quan sát và trau dồi thêm kiến thức bằng việc phân tích động thái, chiến lược và tư duy của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xử lý khủng hoảng.
Không nên nôn nóng phải tìm ra được những doanh nghiệp tốt và mua ngay cổ phiếu, vì số tiền mất có thể sẽ nhiều hơn số kinh nghiệm tích lũy được nếu phá vỡ kỷ luật.
Lưu ý, nhà đầu tư nên giảm những cuộc tranh cãi về giá thị trường, vì sự khập khiễng trong góc nhìn, quan điểm và cả quá trình nghiên cứu.
Một nhà đầu tư vào doanh nghiệp trong vòng 5 năm không thể tranh cãi với nhà giao dịch chỉ nắm giữ cổ phiếu trong 3 ngày.
Những người giữ tư duy “thị trường luôn đúng” khi nào cũng có chung kết quả là chính họ sai và mất tiền theo cách ít học được điều gì mới mẻ và không tích lũy được kiến thức.
Những nhà đầu tư “tay ngang” nhảy vào khi thị trường sụt giảm mạnh, tận dụng thời cơ “cạn nước” để “bắt cá” ít khi nào bắt được những con cá lớn.
Bởi lẽ, quá trình tích lũy hiểu biết chưa đầy đủ, khi nước tiếp tục cạn thì họ vội vàng quăng luôn những “con cá lớn” thực sự để giữ tiền trước.
Ðể đạt được trình độ tự tin mua cổ phiếu khi giá tiếp tục giảm hay cảm thấy vui khi mua được cổ phiếu giá rẻ hơn không phải là điều dễ dàng. “Ðáy” của thị trường nhiều trường hợp không liên quan tới “đáy” dưới góc nhìn của ban lãnh đạo doanh nghiệp, thị trường vẫn có thể tiếp tục diễn biến không theo quy luật trong ngắn hạn.