Ngày 01/01/2024, Bộ Y tế thông tin đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung về quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan.

Tại quyết định này, Bộ Y tế đã chính thức bổ sung hai bảng dữ liệu mới gồm bảng dữ liệu giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và bảng dữ liệu giấy hẹn khám lại.

Theo lộ trình, từ ngày 01/04/2024, cơ quan bảo hiểm xã hội và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 01/07/2024.

Tiếp sau đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục C06 – Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu, triển khai tích hợp hai loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.

Nhiều người dân ngại thủ tục rườm rà nên đã không sử dụng BHYT khi chuyển viện.

Đây là một nỗ lực của Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế trong chuyển đổi số lĩnh vực bảo hiểm y tế tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy.

Bộ Y tế kỳ vọng khi hai loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, sẽ giúp người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho rằng, 2 loại giấy điện tử chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại là một trong những công việc thiết thực trong chuyển đổi số thuộc lĩnh vực bảo hiểm y tế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy.

Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).

Việc triển khai giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử hứa hẹn phục vụ quản lý nhà nước về công tác chuyển tuyến bảo hiểm y tế, tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế sát với thực tế.

Đặc biệt, áp dụng giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám.

Đồng thời, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến, hỗ trợ cơ quan bảo hiểm xã hội trong công tác giám định, thanh toán bảo hiểm y tế.

Bà Trang thừa nhận, thời gian qua việc thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Trong đó, thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn tình trạng gây phiền hà, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực xin – cho, giữ bệnh nhân ở tuyến dưới, gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà.

Trước đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng dù có thẻ bảo hiểm y tế nhưng hiệu quả sử dụng ít do thủ tục chuyển tuyến còn phức tạp, trong khi người bệnh đó có nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến y tế chuyên sâu và do danh mục thuốc của tuyến cơ bản còn hạn hẹp…

Tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã phản ánh ý kiến của cử tri về vấn đề này. Theo đó, vị đại biểu này cho biết, có rất nhiều ý kiến về việc bệnh nhân khi đi khám bệnh phải xin giấy chuyển viện, gây phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.

Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng “barie đi xin giấy chuyển viện nên được bãi bỏ”, đồng thời đề nghị đẩy mạnh tiến trình thông tuyến trong lần sửa đổi Luật BHYT sắp tới, để người có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, việc chuyển bảo hiểm có hai ý nghĩa. Thứ nhất, để quản lý quỹ cho BHYT và không để vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều với những bệnh thông thường. Thứ hai, để giải quyết vấn đề này đại biểu đề xuất, cơ sở y tế tuyến huyện làm được các kỹ thuật gì thì cần công khai danh mục đó, còn kỹ thuật nào không làm được thì đương nhiên người dân được phép chuyển mà không cần phải xin giấy chuyển.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Trang cho hay cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu bỏ quy định về chuyển tuyến sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối quỹ BHYT.

Các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa hoc, đào tạo. Vì vậy, không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.

Thực tế cho thấy, mặc dù giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc cung cấp các thông tin cơ bản như: cơ sở đã điều trị, lý do bệnh nhân chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án… giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời, tổng quát về người bệnh, đồng thời cung cấp thông tin thể hiện quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT để phục vụ việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc này cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính. Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại, chưa đáp ứng sự hài lòng của người dân. Vì thế, cần hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc triển khai giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử sẽ rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm thủ tục chuyển tuyến/tái khám hạn chế hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến hỗ trợ cơ quan bảo hiểm xã hội trong công tác giám định, thanh toán bảo hiểm y tế.

Đây cũng là biện pháp giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến; đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám.