Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng đầu năm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm duy nhất duy trì đà tăng.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta sau 11 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng đầu năm
Kết quả này có được nhờ những nỗ lực của các Bộ ngành, địa phương trong thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, trong đó có Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới đầu năm nay, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm” – Bộ Công Thương chỉ rõ.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại hàng hoá Việt Nam. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng công tác tại Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam với 4 nhóm hàng như sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu… Có thể nói công tác đàm phán mở cửa thị trường đã được đẩy lên rất mạnh.
Bộ Công Thương cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Quốc. Cuối tháng 11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại Trung Quốc (CCPIT) tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam-Trung Quốc” nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, trong thời gian qua, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt trên 175 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.
“Cục Xúc tiến thương mại đã và đang chủ động phối hợp cùng với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và địa phương tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao dịch và làm việc tại các địa phương và Hội chợ tại Trung quốc để kết nối giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam” – ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ.
Đối với mặt hàng nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu về sản phẩm nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử là rất lớn nên Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã hỗ trợ cho các chủ thể, doanh nghiệp lên các mạng xã hội như Tik Tok Shop, Taobao… Đồng thời, nâng cao năng lực để họ có thể bán hàng livestream. Cùng với đó, khảo sát các hình thức thương mại điện tử thông qua kho ngoại quan.
Rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử ở Trung Quốc ở các tỉnh phía sâu trong đất liền đều có chính sách hình thành khu ngoại quan. Khi doanh nghiệp của Việt Nam đưa sản phẩm nhập vào kho ngoại quan, tổ chức livestream trên nền tảng thương mại điện tử thì rất phù hợp với xu thế tiêu dùng của Trung Quốc và có thể được hưởng các chính sách của địa phương Trung Quốc trong việc giảm chi phí lưu kho, tạo thuận lợi cho công tác hải quan và các thủ tục kiểm định. Trong xu thế đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử là xu thế tất yếu và từng bước doanh nghiệp có thể ứng dụng thương mại điện tử không chỉ gói gọn tại Việt Nam mà còn xuyên biên giới.