Chuyển tới nội dung

Làm tiếp thị bằng phim tài liệu

Bộ phim tài liệu về cà phê Việt Nam đã lên sóng Discovery. Tiếp thị bằng phim tài liệu là một cách làm khá phổ biến và từng chứng minh được hiệu quả qua nhiều chiến lược của các thương hiệu nổi tiếng.

Bộ phim tài liệu về cà phê Việt Nam có tên “The Tao of Coffee” (Cà Phê Đạo)

Phim tài liệu về cà phê Việt Nam có tên “The Tao of Coffee” (Cà Phê Đạo), do Warner Bros Discovery sản xuất và phát sóng trên kênh Discovery tại Úc và New Zealand lúc 22h25 (giờ địa phương) ngày 24.11. Warner cũng lên kế hoạch chiếu bộ phim tại Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Châu Á khác vào ngày 30/11.

Trong suốt độ dài 45 phút, bộ phim đem đến cái nhìn toàn diện về ngành cà phê Việt Nam, cũng như khát vọng và hành trình cà phê Việt Nam chinh phục toàn cầu. Để có được những cảnh quay đẹp, thể hiện đúng tinh thần văn hóa cà phê Việt Nam, nhà sản xuất dành hơn một tháng ghi hình, phỏng vấn nhiều nhân vật và tiến hành hậu kỳ trong 2 tháng.

Vì là một phim tài liệu, “The Tao of Coffee” chứa đựng nhiều dữ liệu, ý kiến phỏng vấn từ các chuyên gia, những người nông dân trồng cà phê, kỹ sư nông nghiệp và người tiêu dùng, từ đó thể hiện được tiềm năng và nội lực của ngành cà phê Việt Nam. Ngoài ra, bộ phim cũng khắc họa tinh thần sáng tạo, nỗ lực của những người tạo nên văn hóa cà phê Việt, từ người nông dân cho đến các doanh nghiệp kinh doanh cà phê.

Có thể nói bộ phim “The Tao of Coffee” là cơ hội để nền văn hóa cà phê Việt Nam có thể lan tỏa sâu rộng hơn nữa trên khắp thế giới. Đó cũng chính là hiệu quả mà loại hình tiếp thị bằng phim tài liệu có thể đem đến cho sản phẩm, thương hiệu.

Theo định nghĩa, phim tài liệu về thương hiệu là một loại hình nội dung video, trong đó thương hiệu sẽ kể về những câu chuyện thể hiện sứ mệnh và tầm nhìn của mình. Mục đích của phương pháp tiếp thị này là tiếp cận với khán giả theo một cách tinh tế và nhẹ nhàng.

Nói là tiếp cận nhẹ nhàng, bởi vì những phim tài liệu này không đi theo hướng một video bán hàng, hoặc giới thiệu thương hiệu quá nhiều. Thay vào đó, bản thân câu chuyện sẽ nổi bật hàng đầu, tạo nên mối liên hệ cảm xúc với người xem, từ đó truyền cảm hứng đến, khiến người xem có cái nhìn thiện cảm và tin tưởng hơn với thương hiệu.

Đầu tư vào tiếp thị bằng phim tài liệu không dành cho những người thiếu kiên nhẫn. Đây là một khoản đầu tư cho tương lai, tạo nên nền tảng xây dựng lòng trung thành thương hiệu về lâu về dài.

Và đây là một số ví dụ điển hình về các bộ phim tài liệu xây dựng thương hiệu

#Spotify: “A Day in Ghana with Kendrick Lamar” (Một ngày ở Ghana with Kendrick Lamar)

“A Day in Ghana with Kendrick Lamar” là bộ phim tài liệu ngắn

“A Day in Ghana with Kendrick Lamar” là bộ phim tài liệu ngắn, thời lượng 4 phút do Spotify phát hành ngày 17/6/2022, trùng với sinh nhật lần thứ 35 của rapper Kendrick và ngày phát hành album phòng thu “Mr. Morale & The Big Steppers” của anh. Bộ phim đưa ra những khoảnh khắc nam rapper lần đầu tiên trải nghiệm lối sống đường phố ở Accra, Ghana. Anh dành cả ngày để vui chơi với những đứa trẻ địa phương, cùng đá bóng, chụp ảnh, tham quan công viên.

Đây là ví dụ điển hình cho một bộ phim tài liệu thương hiệu thành công. Chỉ với vài phút, bộ phim đem đến góc nhìn độc đáo và hấp dẫn về rapper Kendrick. Phong cách làm phim mộc mạc, hướng đến sự thật hoàn toàn phù hợp với phong cách âm nhạc riêng của Kendrick. Hai phút đầu của video, nhà sản xuất không hề đề cập gì đến album của anh. Thế nhưng những hình ảnh và trải nghiệm của Kendrick trong bộ phim đã đủ để người xem không thể rời mặt. Và dĩ nhiên, họ cũng dễ dàng nhận thấy album mới của anh đã sẵn có trên Spotify.

#Google: “Google Career Certificates: Karrim” (Chứng chỉ nghề nghiệp Google: Karrim)

Trong bộ phim tài liệu dài 3 phút này, Google khắc họa câu chuyện đơn giản về một chàng trai trẻ tên Karrim và những khó khăn anh phải đương đầu khi tìm việc làm. Là con trai trong một gia đình người Ethiopia nhập cư, anh được bố mẹ khuyến khích theo con đường học vấn chính quy. Sau khi tốt nghiệp năm 2020, Karrim quyết tâm tìm việc làm, nhưng sự cạnh tranh trên thị trường cộng với đại dịch khiến cơ hội của anh trở nên rất ít.

Sau khi gửi hơn 100 đơn ứng tuyển mà không nhận được hồi âm, Karrim tìm đến Chứng chỉ Phân tích dữ liệu của Google. Đây là một chương trình đào tạo của Google, cung cấp cho sinh viên tốt nghiệp những kỹ năng đắt giá về code, phân tích dữ liệu và kết nối dữ liệu. Một tháng sau khi hoàn thành khóa học, anh đã có được cơ hội nghề nghiệp xứng đáng.

Nhiều chuyên gia nhận định bộ phim này là ví dụ điển hình của việc kể lại câu chuyện thành công của người dùng khi sử dụng sản phẩm của thương hiệu. Mọi người khi xem bộ phim cũng dễ dàng đồng cảm với những khó khăn mà Karrrim gặp phải, từ đó có thể xem các khóa học chứng chỉ của Google là một giải pháp phù hợp.

# Calvin Klein: “Destiny”

Bộ phim tài liệu 60 giây này là một phần trong chiến dịch thương hiệu năm 2020 của Calvin Klein (CK) với tên gọi “One Future”. Mục tiêu của chiến dịch là gắn kết thương hiệu CK với thế hệ tuổi trẻ mạnh mẽ, giàu cảm hứng trên khắp nước Mỹ.

Chiến dịch khắc họa hình ảnh 11 thanh niên trong cuộc sống hằng ngày. Loạt nội dung này mang đến cho họ cơ hội để nói lên những trải nghiệm, quan điểm, hy vọng về cuộc sống. Đó cũng là tiếng nói của một thế hệ có chung tương lai.

Điều mà loạt phim này làm tốt nhất là tạo nên cảm giác CK cực kỳ quan tâm đến suy nghĩ của giới trẻ, là thương hiệu có thể đại diện cho tư duy tiến bộ và những ý tưởng mà giới trẻ Mỹ quan tâm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved