Cùng là sàn kinh doanh các món đồ thủ công mỹ nghệ, Chus – sàn thương mại do một doanh nhân Hàn Quốc thành lập chuyên bán đồ Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đạt thành tựu rực rỡ như Etsy đã từng làm được.
Chus vừa ra mắt trong tháng 10 này, là một sàn thương mại điện tử khá độc đáo. Người sáng lập Chus là Injoon Song, một doanh nhân người Hàn Quốc. Thế nhưng Chus lại chuyên bán các sản phẩm của Việt Nam.
Hiện nay trên Chus có hơn 500 thương hiệu với 6000 sản phẩm Việt gồm tác phẩm thủ công, đặc sản địa phương, sản phẩm tiêu dùng được sản xuất với số lượng giới hạn. Đối tượng khách hàng chính của Chus là người tiêu dùng nội địa Việt Nam và những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Những thương hiệu/sản phẩm nổi bật trên Chus có thể kể đến The Hồ Tiêu (Phú Quốc), sản phẩm chăm sóc tóc và da Rị Mọ (Đồng Tháp), kẹo dừa Chái Bếp (Bến Tre), kẹp tóc thêu tay của fragile.house (Quảng Nam), trang sức sơn mài Đại Nghĩa (Huế), tương ớt theo công thức cổ truyền SPICO (Thanh Hóa), v.v..
Ngoài việc lựa hàng, bỏ vào giỏ hàng và thanh toán, khi tiếp cận với các sản phẩm thủ công, người dùng còn có thể trao đổi trực tiếp với các nghệ nhân để tự tùy chỉnh, cá nhân hóa các sản phẩm ấy với dấu ấn, phong cách riêng của mình.
Sự ra đời của Chus đã giúp các nghệ nhân, những đơn vị làm đồ thủ công và những khách hàng yêu thích các loạt mặt hàng này tìm thấy nhau, cũng như đem đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng.
Nếu nhìn vào mô hình và hướng đi của Chus, không khó để nhận thấy rằng Chus khá giống Etsy, một sàn TMĐT bán đồ thủ công cực kỳ đình đám.
Ra đời vào năm 2005, Etsy là nơi buôn bán lý tưởng cho các nhà bán hàng thủ công, với chứng nhận B Corp (chứng nhận cho các doanh nghiệp theo đuổi các tiêu chuẩn cao nhất về hoạt động vì môi trường và lợi ích cộng đồng bền vững, một cách minh bạch và trách nhiệm).
Trước khi Etsy ra đời, các doanh nghiệp mới, ít tên tuổi hoặc không có nguồn khách hàng ổn định thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán các mặt hàng thủ công hoặc vintage. Còn với Etsy, những bên như thợ thủ công, nhà sưu tập hoặc các doanh nghiệp có thể mở cửa hàng trực tuyến trên sàn TMĐT này và bán hàng trực tiếp đến khách hàng.
Với mỗi sản phẩm niêm yết trên sàn, người bán đóng phí 0,2 USD. Các mặt hàng được phép bán bao gồm hàng vintage tuổi đời trên 20 năm, các mặt hàng thủ công, thiết bị dụng cụ làm đồ thủ công, trang sức, quần áo, thực phẩm, sản phẩm làm đẹp, tranh ảnh và các tác phẩm nghệ thuật.
Ban đầu, Etsy chỉ cho bán hàng thủ công. Thế nhưng sau đó họ thay đổi nguyên tắc, chấp nhận bán hàng do nhà máy sản xuất, miễn là chúng độc đáo và có chất lượng tốt. Chính bước đi này đã giúp Etsy tăng doanh số bán hàng và mang lại lợi nhuận lớn hơn.
Một trong những lý do giúp Etsy đạt được mức tăng trưởng vượt trội ngay từ những ngày đầu là vì người bán chủ động quảng cáo cửa hàng của họ trên mạng xã hội và với bạn bè, người thân. Điều này giúp nhiều người biết đến và đăng ký Etsy hơn. Với những kiểu kinh doanh chủ yếu dựa vào cộng đồng, chẳng hạn như Etsy, thì marketing truyền miệng luôn là công cụ cực kỳ hiệu quả.
Với những hướng đi phù hợp, Etsy phát triển rất nhanh chóng. Chỉ trong vòng 3 năm sau khi ra mắt, Etsy sở hữu 50 nhân viên, 120.000 người bán tại 127 quốc gia trên toàn thế giới. Đến năm 2010, cộng đồng Etsy đạt mốc 5 triệu thành viên đăng ký, định giá doanh nghiệp đạt 100 triệu USD. Đến cuối năm 2015, họ có 54 triệu người đăng ký, doanh số đạt 1,93 tỷ USD với doanh thu 200 triệu USD, 78% doanh số đến từ khách hàng cũ. Cùng năm đó, công ty chính thức IPO. Đến năm 2016, Etsy sở hữu hơn 1,7 triệu người bán và 28,6 triệu người mua. Vốn hóa thị trường tăng lên đến 1,4 tỷ USD.
Thành công của Etsy cho thấy khách hàng vẫn có nhu cầu rất lớn đối với hàng thủ công.
Trên thực tế, đã từng có nhiều sản phẩm thủ công Việt Nam từng làm ăn rất ổn trên các sàn TMĐT quốc tế. Một trong những nền tảng góp phần đưa những sản phẩm này đến tay người tiêu dùng là Amazon.
Các thống kê từ Hội nghị thương mại xuyên biên giới ngày 31/10/2022 cho thấy có hơn 10 triệu sản phẩm “made in Việt Nam” được bán trực tuyến trên Amazon. Một trong những mặt hàng Việt Nam bán chạy nhất trên Amazon là đồ thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng từ mây tre đan. Đây là mặt hàng phù hợp với những người có nhu cầu trang trí bằng những chất liệu thân thiện với môi trường. Đồng thời sản phẩm của Việt Nam có kích thước vừa phải, hoa văn bắt mắt, bán theo set từ 3 đến 11 cái, phù hợp nhiều mục đích trang trí.
Tuy nhiên xét cho cùng Amazon cũng chỉ là sàn nước ngoài. Tại Việt Nam vẫn chưa có sàn TMĐT nào thực sự nổi bật chuyên bán hàng thủ công mỹ nghệ. Với sự khan hiếm này, cộng thêm hướng đi đã được chứng minh là khả thi, liệu Chus có thể vươn lên trở thành Etsy của Việt Nam?
Quân Bảo