Ghi nhận nguồn cung mới

Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam đã nhận được một lượng nguồn cung lớn trong thời gian qua, đặc biệt sau giai đoạn 2 – 3 năm không có nguồn cung đất khu công nghiệp mới tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (SKER).

Trong quý 3, thị trường đã chứng kiến sự xuất hiện của nguồn cung mới từ tỉnh Long An, trong đó khu công nghiệp Nam Tân Tập do công ty Saigontel phát triển, đóng góp khoảng 171 ha cho thị trường.

Thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam đã nhận được một lượng nguồn cung lớn trong thời gian qua.

Trong đó, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 82%, tương đương với việc hấp thụ thuần 116 ha đất và tăng 66% so với quý trước. Đặc biệt, khu vực tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu đều có tỷ lệ hấp thụ thuần cao nhất, với tỷ trọng lần lượt khoảng 59% và 28%. Diễn biến tích cực này của thị trường bất động sản công nghiệp được thúc đẩy bởi sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Đối với giá thuê, đất khu công nghiệp hiện vẫn duy trì mức giá thuê sơ cấp ổn định. Trung bình, giá thuê đất sơ cấp là 165 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 1% trong quý và tăng 8,5% theo năm. Một số khu công nghiệp đã ghi nhận mức điều chỉnh giá thuê tăng từ 3 – 5% so với cùng kỳ.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, với những nỗ lực không ngừng từ các chủ đầu tư và chính quyền địa phương, dự kiến sẽ có thêm nguồn cung đất khu công nghiệp mới gia nhập thị trường.

Đáng chú ý, trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, sẽ có khoảng 5.700 ha đất khu công nghiệp mới, chủ yếu từ các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, và Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong bối cảnh nhu cầu thuê đất cao, giá thuê đất được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, hoạt động cho thuê đang trở nên sôi động hơn. Tỷ lệ lấp đầy tăng lên 2,2% trong quý này, tương đương với việc hấp thụ 143.000 m2 nhà xưởng sẵn có. Mức hấp thụ này gấp 2,4 lần so với quý 1.

Theo đó, giá thuê trung bình duy trì ổn định theo quý và theo năm, ở mức 4,7 USD/m2/tháng. Đa số các dự án giữ nguyên giá thuê trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn cung. Các vị trí cho thuê có nhu cầu cao như Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong khoảng 2,4 – 2,5%.

Đất khu công nghiệp hiện vẫn duy trì mức giá thuê sơ cấp ổn định.

Thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài

Bên cạnh việc ghi nhận thêm nguồn cung mới, bất động sản công nghiệp cũng là điểm đến thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 7/2023, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã đạt 13,43 tỷ USD. Trong số này, lĩnh vực bất động sản thu hút được 1,53 tỷ USD, xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách các ngành và lĩnh vực thu hút vốn FDI.

Vào tháng 8, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Sản xuất hợp kim nhôm của Công ty TNHH Innovation Precision (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Techonology) với tổng mức đầu tư 165 triệu USD. Theo kế hoạch, trong tháng 8/2023, dự án sẽ bắt đầu xây dựng nhà xưởng, và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2024 để đi vào hoạt động.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường đã chứng kiến sự mở rộng của các nhà sản xuất lớn như Foxconn và Goertek tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Cùng với đó, các doanh nghiệp khác như BOE, Quanta và Samsung cũng đã đưa ra kế hoạch đầu tư đáng kể vào các nhà máy tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của ông Bruno Jaspaert – Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, Việt Nam đang thu hút 10% số lượng nguồn vốn FDI mà thường sẽ đầu tư vào Trung Quốc. Theo thời gian, sẽ còn nhiều nhà đầu tư mong muốn đến Việt Nam để đầu tư. Nguyên nhân là bởi Chính phủ Việt Nam đã thiết lập các tiêu chuẩn mới cho các khu công nghiệp, đặc biệt là cam kết giảm khí thải carbon.

Với cam kết này, Việt Nam có tiềm năng tiến xa hơn trong tương lai vì nó đang hướng dẫn sự đổ vốn mới vào Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này là một lợi thế lớn giúp Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư mới…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút đầu tư FDI, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và chủ trương nhằm tăng cường hiệu suất của việc thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với tình hình nội địa và quốc tế.

Cụ thể, các bộ ngành và địa phương đang tiến hành xây dựng các kế hoạch quy hoạch khu vực, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Đây được xem là một cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của các vùng kinh tế, từ đó tập trung vào việc thu hút đầu tư có trọng điểm và tiêu biểu, tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của mỗi vùng.