Liên kết Nga – Wagner tan rã có thể gây quan ngại cho châu Âu.

Cuối cùng, tập đoàn Wagner khét tiếng đã phải tan rã sau vụ binh biến chấn động vừa qua. Ông trùm Prigozhin chạy sang Belarus, một phần lực lượng ở lại và sát nhập vào lực lượng quân đội Nga, một phần được phép đi theo Prigozhin hoặc trở về nhà.

Với những thông tin đó, lẽ ra Ukraine và phương Tây phải vui mừng khi loại bỏ được một “vũ khí” đắc lực của Moscow, nhưng theo nhiều chuyên gia, những diễn biến này càng khiến châu Âu quan ngại hơn.

Thứ nhất, mối lo Wagner xây dựng lực lượng mới tại Belarus đang ngày càng rõ ràng. Mới đây, các hình ảnh vệ tinh mới của châu Âu cho thấy một loạt cơ sở hạ tầng mới đã được xây dựng trên một cánh đồng tại Belarus sau khi Yevgeny Prigozhin đặt chân tới đây. Những công trình này giống như một trại quân sự làm dấy lên nỗi lo Wagner có thể đang gây dựng lại lực lượng quân đội độc lập với Moscow.

Theo các thông tin, nhóm Wagner đang có khoảng 2.000 thành viên ở Belarus, phần lớn là các chiến binh kinh nghiệm và trung thành với Prigozhin sau vụ binh biến bất thành ở Nga.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Belarus đang xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự mới.

Trên thực tế, diễn biến xung quanh vụ binh biến của Wagner tại Nga đặt ra nhiều dấu hỏi cho giới quân sự phương Tây. Trong đó, nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng Prigozhin bị chính quyền Moscow liệt vào danh sách đen. Thỏa thuận chớp nhoáng do Belarus làm trung gian không chỉ giúp Prigozhin an toàn, mà còn tạo điều kiện cho tập đoàn Wagner gây dựng lại các cơ sở bên ngoài nước Nga.

“Điều này sẽ dẫn tới một giai đoạn mới của chiến tranh hỗn hợp, một giai đoạn khó khăn hơn nhiều so với những gì chúng ta quan sát hiện nay”, Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho biết.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 27/6 đã xác nhận rằng Prigozhin đã đến sống lưu vong ở Belarus, đồng thời nói rằng một căn cứ quân sự cũ đã được cung cấp cho bất kỳ chiến binh Wagner nào muốn tham gia cùng Prigozhin.

Một kịch bản khả thi khác là Wagner sẽ đóng vai trò huấn luyện chiến đấu cho binh sĩ của Belarus. Chính ông Lukashenko đã thông báo rằng lực lượng Wagner được chào đón, và các binh sĩ có kinh nghiệm quân sự, chuyên môn này sẽ “có giá trị lớn” đối với Belarus.

Động thái trên khiến một loạt nước vùng Baltic lo lắng. Trong cuộc gặp tại Paris mới đây, các Ngoại trưởng Estonia, Latvia và Litva đã kêu gọi “một loại biện pháp trừng phạt mới” của EU đối với Belarus, thậm chí tương tự như đối với Nga.

Thứ hai, giới chức châu Âu đang lo ngại các mầm mống Wagner ở Belarus có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng di cư.

Mới đây nhất, chính phủ Ba Lan đã phải huy động thêm 500 cảnh sát chống khủng bố đến các khu vực giáp biên với Belarus. Động thái này diễn ra sau khi gần 200 người được cho đã cố gắng vượt biên sang Ba Lan từ Belarus. Chính phủ Warsaw đã lên tiếng lo ngại về việc Wagner có thể sử dụng vấn đề di cư để gây bất ổn an ninh trong nước.

Ba Lan vừa phải điều động thêm lực lượng ra biên giới với Belarus trước sự hiện diện của Wagner.

Không chỉ Ba Lan, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có chung biên giới với Belarus tuần qua đã yêu cầu khối EU và NATO đoàn kết hơn trước sự hiện diện của Wagner.

Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói: “Điều đó có khả năng gây ra mối đe dọa. Mối đe dọa có thể không phải là mối đe dọa quân sự trực diện, mà là mối đe dọa cố gắng xâm nhập vào châu Âu với mục đích không xác định. Vì vậy, điều đó có nghĩa là chúng ta cần nâng cao nhận thức về biên giới và đảm bảo rằng chúng ta có thể kiểm soát điều đó, “

Vấn đề di cư vẫn đang là nguồn cơn cho căng thẳng ngoại giao giữa Belarus và Ba Lan. Mâu thuẫn nổ ra kể từ năm ngoái khi Belarus bắt đầu khuyến khích người di cư vượt biên sang Ba Lan. Chính phủ Ba Lan đã cáo buộc Belarus sử dụng những người di cư như một “lá chắn sống” để gây sức ép với EU và đã từ chối cho phép họ vào nước này.

Trường Đặng