Thị trường chứng khoán ngày 10/4 tiếp tục có phiên giảm nhẹ và VN-Index rơi về vùng 1.065 điểm. Những nhóm ngành có vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng đồng loạt giảm, khiến thị trường mất đi trụ đỡ.

Hiện ngành chứng khoán đang được hỗ trợ bởi thanh khoản trở lại trên thị trường nên dòng tiền có xu hướng nắn dòng vào nhóm cổ phiếu chứng khoán và nhóm có tính đầu cơ cao là bất động sản

Về giá trị khối lượng giao dịch toàn thị trường gần 18 nghìn tỷ đồng, riêng trên HoSE tương ứng gần 15.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 310 tỷ đồng trên sàn HoSE; trong đó, nổi bật bán HPG, STB, KDH…

Thị trường chứng kiến sự sụt giảm của nhóm VN30 khi 20 cổ phiếu giảm, 5 cổ phiếu đứng giá, chỉ 5 cổ phiếu tăng. Đáng chú ý, Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số thị trường hôm nay cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu trong nhóm này; trong đó, có VHM, VIC, VCB, BID, HPG…

Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá, trong hơn hai tuần vừa qua thị trường chứng khoán có sự tăng tương đối mạnh. Đặc biệt là thanh khoản của thị trường cũng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. Có những thời điểm, thanh khoản cả ngày chỉ từ 7000 – 9000 tỷ đồng, nhưng đến nay đã tăng 13.000 -14.000 tỷ đồng/ngày, thậm chí là 18.000 tỷ đồng, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư đến thị trường khi lãi suất có xu hướng hạ.

Như vậy, dòng tiền bắt đầu quay trở lại, trong khi khối ngoại bán ròng, chứng tỏ lực đỡ của thị trường chứng khoán mấy tuần vừa qua chủ yếu đến từ tâm lý “hưng phấn” của các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Một điểm quan trọng nữa là, ngoài sự hỗ trợ và xu hướng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, thì hai tuần vừa qua cũng không có tin xấu nào xảy ra. Vì thế kỳ vọng của mọi người là trong thời gian ngắn sắp tới sẽ không có sự kiện xấu, giúp tâm lý ổn định và thị trường ổn định hơn.

Lý giải về việc khối ngoại bán ròng, ông Long cho rằng, vì khi các nhà đầu tư đã có một lượng mua ròng kéo dài trong suốt khoảng thời gian VN-Index trên dưới 1.000 điểm, thì đây sẽ là thời điểm họ chốt lời ngắn hạn.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm, xu hướng giảm lãi suất sẽ chưa thẩm thấu vào các doanh nghiệp mà cần có thời gian. Các vấn đề ảnh hưởng của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài, độ trễ có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm để mọi hoạt động ổn định trở lại, cho nên việc tác động nhanh nhất là tới tâm lý nhà đầu tư.

Chỉ có một số ngành nghề có tác động ngay như ngành chứng khoán. Đây là một ngành rủi ro, các cổ phiếu chứng khoán cũng tương đối rủi ro, chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô và nhạy cảm bởi các biến số trên thị trường hơn cả. Hiện ngành này đang được hỗ trợ bởi thanh khoản trở lại trên thị trường nên dòng tiền có xu hướng nắn vào nhóm cổ phiếu chứng khoán và nhóm có tính đầu cơ cao là bất động sản.

“Ngoài ra, những ngành được nhắc đến nhiều nhất trên truyền thông cũng là những ngành dễ hút dòng tiền nhất, kèm theo những câu chuyện được kể ra. Mặc dù cùng một sự vật hiện tượng, được kể ở nhiều góc nhìn khác nhau… nhưng trên quan điểm của tôi, thị trường chỉ bền vững khi các doanh nghiệp thực sự tốt và bền vững.

Nhà đầu tư cần lưu ý,  yếu tố nào tạo nên sự bền vững cho tăng trưởng của thị trường, còn khối lượng giao dịch chủ yếu mang tính kỹ thuật và thể hiện rất rõ tâm lý đầu cơ

Nhà đầu tư cần hiểu rằng, khối lượng giao dịch trên thị trường có người mua 15.000 tỷ đồng nghĩa là có người bán 15.000 tỷ đồng, quan trọng yếu tố nào tạo nên sự bền vững cho tăng trưởng của thị trường. Còn khối lượng giao dịch chủ yếu mang tính kỹ thuật và thể hiện rất rõ tâm lý nhà đầu tư.

Thực chất, việc giảm lãi suất còn chưa thẩm thấu vào doanh nghiệp, nhưng đã tác động ngay đến tâm lý thị trường và tâm lý đầu cơ đó cũng là xu hướng bình thường, phản ánh xu hướng phục hồi của nền kinh tế và thị trường chứng khoán”, ông Phan Lê Thành Long phân tích.

Ở góc nhìn vĩ mô, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích & Tư vấn đầu tư, SSI Research cũng cho biết, trong quý vừa qua, chúng ta đã nhận được kết quả tăng trưởng GDP quý 1 tăng trưởng 3,3% là mức rất thấp. Mức thấp này giống với giai đoạn năm 2011, trong đó có một số điểm nổi bật như: Con số của ngành chế biến chế tạo đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2011; Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm ở mức hai con số.

Đây đều là những điều tương đối lo ngại, bởi vì chúng ta đang so sánh thời điểm này với cùng kỳ năm ngoái, khi chúng ta còn trong giai đoạn phong tỏa. Sang quý 2/2022, lại là thời điểm tương đối “tưng bừng” khi cả xã hội mở cửa trở lại. Vì vậy, với nền so sánh cao của năm ngoái thì các con số tăng trưởng cũng tiếp tục gặp thách thức mới.

“Tuy vậy, với việc giảm lãi suất khá quyết liệt, điều chúng ta đang hồi hộp mong đợi đó là trong quý 2 tới đây, khả năng hấp thụ vốn vay của các doanh nghiệp có thể cải thiện.  Điều này sẽ cho biết nền kinh tế có sẵn sàng để vượt qua khó khăn chưa, hay chúng ta vẫn phải chờ lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới”, bà Phương bày tỏ.