Trong hai tuần qua, các chính khách từ ba trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thảo luận hoặc công bố kế hoạch rút doanh nghiệp của họ rời khỏi Trung Quốc…
“Cú sốc” chuỗi cung ứng và những cuộc “tháo chạy”
Giờ thì những luận điểm “Nếu Trung Quốc hắt hơi thì nền kinh tế thế giới sổ mũi” hay “bỏ trứng vào một giỏ” lại càng được củng cố sau khi COVID-19 phơi bày lỗ hổng của việc tập trung sản xuất tại Trung Quốc.
Theo trang tin Politico, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU), ông Phil Hogan mới đây đã tuyên bố EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Và trong tuần trước, Nhật Bản cho biết sẽ hỗ trợ 2,2 tỉ USD để kéo các nhà sản xuất Nhật Bản về quê nhà hoặc chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á (miễn là họ rời Trung Quốc) sau cú sốc chuỗi cung ứng vì COVID-19.
Nhật Bản có động thái này sau khi giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ông Larry Kudlow cho biết Washington sẽ trả chi phí cho doanh nghiệp Mỹ nếu họ di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy có ý định nhưng chính phủ Mỹ vẫn chưa chính thức công bố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19 phơi bày nhiều vấn đề liên quan đến sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chẳng hạn thiết bị y tế. Vài tuần gần đây, cơ quan y tế ở Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và mới đây là Canada phát hiện khẩu trang chuyên dụng cho nhân viên y tế và các bộ xét nghiệm COVID-19 do Trung Quốc sản xuất bị lỗi hoặc có độ chính xác thấp, trong khi các chính phủ phải chi trả hàng triệu USD để nhập khẩu. Điều này dẫn đến xu hướng thoát phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc.
Các công ty Mỹ, Nhật và châu Âu vốn đã chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì giá lao động tăng và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhưng sức ép từ đại dịch giờ đây sẽ đẩy nhanh quá trình này.
Gần đây, hàng loạt dự luật được đưa ra tại quốc hội Mỹ để chống lại việc phụ thuộc vào Trung Quốc. Chẳng hạn, hồi tháng rồi, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đã giới thiệu dự luật giảm phụ thuộc Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. Dự luật này còn thu hút được sự ủng hộ từ ba thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc gần đây trở thành một vấn đề được cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ.
Các nhà phân tích đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, buộc doanh nghiệp Mỹ phải tăng cường sản xuất thiết bị y tế nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt. Điều này có thể thúc đẩy sản xuất nội địa một số mặt hàng nhằm tránh phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong một cuộc khảo sát của công ty phân tích và tư vấn Gallup, tỷ lệ người dân Mỹ đưa ra quan điểm ủng hộ Trung Quốc đã giảm xuống mức đáy 20 năm với 33%. Kết quả này cũng khá tương tự với cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew trong tuần trước.
Theo chỉ số 2019 Reshoring Index do công ty tư vấn Mỹ Kearney công bố trước đó trong tháng này, đại dịch đang buộc các công ty nghĩ lại về chuỗi cung ứng, càng làm lộ rõ xu hướng vốn đã xảy ra từ rất lâu, trước cả cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
“Những bài học rút ra từ COVID-19 thật sự rất quan trọng và rất khắc nghiệt”, Kearney cho biết trong báo cáo. “Ít nhất thì chúng tôi kì vọng các công ty sẽ ngày càng phân tán rủi ro chứ không còn bỏ tất cả trứng vào một rổ có chi phí thấp hơn, như nhiều công ty đã làm từ lâu tại Trung Quốc”.
Khó từ bỏ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?
Trong báo cáo Reshoring Index của Công ty tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney (Mỹ) tức chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia khác trở về quốc gia ban đầu. Theo đó, đại dịch COVID-19 buộc các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng, tương tự xu hướng từng diễn ra trong thương chiến Mỹ-Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này không nhất thiết là các công ty Mỹ sẽ đưa dây chuyền trở về nước. Thay vào đó, các doanh nghiệp Mỹ tìm nguồn cung ứng từ Mexico và những quốc gia châu Á khác ngoài Trung Quốc như Việt Nam, để lấp đầy khoảng trống do nhập khẩu Trung Quốc giảm, báo cáo của Kearney lưu ý.
“Đối với chuỗi cung ứng lĩnh vực y tế, gần như chắc chắn sẽ có các chương trình được chính phủ hỗ trợ để doanh nghiệp đưa dây chuyền sản xuất hàng hóa quan trọng về nước. Không quốc gia nào muốn tiếp tục lâm vào hoàn cảnh thiếu hụt vật tư y tế và những chính sách như thế này dần dần trở nên phổ biến trên thế giới”, theo báo cáo của Kearney.
Trong tháng này, kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho thấy 70% công ty tham gia khảo sát chưa nghĩ đến việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vì đại dịch.
Nhiều trong số công ty này được cho là muốn ở lại Trung Quốc để bán hàng cho thị trường 1,4 tỉ dân này, trong khi một số công ty khác nhận thấy rất khó để rút khỏi nơi có cơ sở sản xuất và logistics tầm cỡ thế giới như Trung Quốc. Nhiều công ty đã xây dựng nhà máy ở những nơi khác để xuất khẩu nhưng sẽ duy trì cơ sở tại Trung Quốc để bán hàng cho dân Trung Quốc.
Nhiều thành viên tuy đã xây dựng các nhà máy ở nước khác nhưng vẫn sẽ duy trì một nhà máy tại Trung Quốc để phục vụ nhu cầu tại đây. “Chúng tôi hiểu lý do những đề xuất của ông Larry Kudlow nhưng không thấy lý do thực sự thuyết phục về mặt kinh tế để làm việc này. Chuyển một công ty từ Trung Quốc về Mỹ không giống như việc đóng vali và lên đường. Đó là một quá trình phức tạp với nhiều yếu tố khác nhau”, ông Keith Gibbs, Chủ tịch AmCham Thượng Hải nói.
Một giám đốc điều hành của một công ty sản xuất thiết bị quang học có trụ sở tại Tokyo nói rằng chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng lên đang khiến họ không thể duy trì hoạt động tại đây, nhưng họ vẫn chưa cân nhắc đến phương án di dời nhà máy.
Riêng với các doanh nghiệp Nhật, dư luận Trung Quốc cho rằng, những công ty Nhật xem xét việc rút vốn khỏi nước này chủ yếu là những doanh nghiệp xuất khẩu, các công ty hướng tới thị trường Trung Quốc khả năng cao không tính đến biện pháp này, bởi Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới.
Nước này còn đưa ra các số liệu thống kê, cho rằng có thể số doanh nghiệp Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc không đến 10%.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, để ổn định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc phải khởi động toàn diện kế hoạch “dự phòng” với việc tạo dựng một hệ thống ngành phụ trợ cho riêng mình. Bởi Trung Quốc là quốc gia có ngành chế tạo lớn nhất thế giới, có mối gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ừng toàn cầu, việc vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi nước này ảnh hưởng đến ngành chế tạo và doanh nghiêp Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi…