Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 25 địa phương đang tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh. 14 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. 24 tỉnh thành tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Theo tin của Bộ GD&ĐT, 25 địa phương hiện đang tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh, gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Cao Bằng, Điện Biên, Gia lai, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên bái, Quảng Ninh.
Ngoài ra, 13 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình cho học sinh, gồm : Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Lắk, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thừa Thiên Huế.
25 tỉnh thành còn lại tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắc Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nam.
Phóng viên cho hay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để triển khai việc dạy và học ứng phó với dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã ban hành các công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19.
Theo đó, đối với lớp 1, lớp 2, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa; từ đó xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt.
Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, nhất là những địa bàn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đối với lớp 6 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống COVID-19.
Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GD&ĐT hướng thực hiện dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết ước tính 7,35 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến, trong đó 1,5 triệu em không có máy tính, điện thoại, iPad để tham gia học tập. Thủ tướng đã chỉ đạo tổ chức chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ thiết bị, đường truyền cho những học sinh thuộc diện khó khăn.
Một trường tại TP.HCM dự kiến đón học sinh trở lại ngày 4/10 Theo ông Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết nhà trường đã đề xuất phương án cho học sinh đi học trở lại vào ngày 4/10 lên UBND huyện và Sở GD&ĐT TP.HCM. Theo đó, căn cứ vào Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong cơ sở giáo dục của Sở GD&ĐT (đang dự thảo) và tiêu chí đánh giá của ngành y tế, Trường Thạnh An nằm ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, đạt 95 điểm theo thang điểm 100. Mặt khác hiện huyện Cần Giờ là vùng xanh trong chống dịch COVID-19, do vậy nhà trường đã đề xuất phương án cho học sinh trở lại trường để trình UBND huyện và Sở GD&ĐT TP.HCM. Trường THPT Thanh An có 293 học sinh từ khối 6 đến 12. Nếu được chấp thuận thì nhà trường sẽ cho 131 học sinh lớp 6, 9 và 12 đến trường học tập vào ngày 4/10. Tuy nhiên, ngay cả khi được chấp thuận, ngoài học trực tiếp, các em vẫn sẽ kết hợp cả học trực tuyến. Trong đó, 50% thời lượng chương trình sẽ học trực tiếp và 50% học trực tuyến. Riêng các khối lớp còn lại tiếp tục học 100% trực tuyến. |
Bảo An