Hiện các hãng hàng không đều bày tỏ sự lo ngại doanh thu sẽ không bù đắp được chi phí khi đang rơi vào vòng xoáy kép của dịch COVID-19 và giá xăng dầu có mức tăng cao nhất lịch sử trong thời gian qua.
Chi phí nhiên liệu luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí của doanh nghiệp vận tải hàng không. Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Việt Nam (VABA), cho biết giá xăng chiếm tới 40% tổng chi phí của các hãng hàng không. Do đó, giá xăng tăng sẽ gây bất lợi, tăng chi phí của các hãng hàng không.
Các hãng vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch đầy khó khăn, chưa kịp phục hồi; chi phí phát sinh do khôi phục lại thị trường và phòng, chống dịch; giờ lại phát sinh chi phí xăng dầu tăng, đó là thách thức với các hãng hàng không Việt Nam.
Trong văn bản vừa gửi các Bộ: Tài chính, GTVT liên quan ảnh hưởng tăng giá dầu với hoạt động khai thác của doanh nghiệp, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, việc giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình đầu tháng 3/2022 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng; nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.
Do đó, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Trong trường hợp áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines, với giá dầu hiện nay, việc triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa cũng là một giải pháp nhằm tạo sự linh hoạt cho các hãng trong khi không ảnh hưởng đến các chính sách giá của Chính phủ. Tuy nhiên, chính sách này cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá, đặc biệt là xác định và quy định các mức phụ thu theo các mức giá dầu.
Trước mắt, ông Hà cho rằng phương án sửa đổi quy định về giá trần sẽ khả thi và kịp thời hơn khi Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Thông tư 17/2012 đã được áp dụng từ năm 2015 hiện đã không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa.
“Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt đồng thời bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng,” ông Hà lý giải.
Liên quan đến giá vé máy bay, Bamboo Airways cho biết đã xây dựng bộ quyền lợi nhóm giá vé với 8 nhóm giá đa dạng. Mỗi nhóm giá tương ứng với các bộ quyền lợi khác nhau như số cân hành lý, suất ăn; quyền đổi tên, đổi hành trình, thời gian bay); quyền chọn chỗ, ưu tiên check-in, sử dụng phòng chờ thương gia; tích lũy điểm trong chương trình khách hàng thân thiết Bamboo Club… Tùy theo nhu cầu của bản thân, mỗi hành khách có thể lựa chọn hạng vé với các quyền lợi đi kèm phù hợp, đồng thời loại bỏ các dịch vụ không cần thiết, để hành khách lựa chọn trải nghiệm và chi phí phù hợp.
Đưa ra các giải pháp, kế hoạch để ứng phó với giá xăng dầu tiếp tục xu hướng tăng, ngoài việc cắt giảm các chi phí nội tại của hãng bay, đại diện VABA và các hãng hàng không kiến nghị Chính phủ hỗ trợ như tăng mức giảm một số loại thuế, phí đối với ngành hàng không.
Các hãng bay đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm; miến thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường; điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (hiện nay 7%); hỗ trợ giá dịch vụ hàng không…
Phương Linh