Trải qua năm 2020 đầy thử thách khi dịch bệnh COVID-19 mang đến một cú sốc mạnh, 2021 sẽ là một năm đầy thử thách nhưng cũng là cơ hội để Đông Nam Á thay đổi.
Khi dịch COVID-19 bắt đầu tác động tới khu vực Đông Nam Á, nhiều chuyên gia cho rằng, các nền kinh tế trong khu vực này sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo xung đột và bất ổn trong khu vực sẽ có chiều hướng gia tăng.
Tuy nhiên, khi năm 2020 kết thúc, trong khi châu Âu và Mỹ đang bùng nổ thành các điểm nóng dịch COVID-19, Đông Nam Á được đánh giá xử lý đại dịch tốt hơn những nơi khác, chỉ sau khu vực Đông Bắc Á.
Đồng thời, bối cảnh chính trị của khu vực tương đối ổn định, ít xung đột bạo lực hơn hẳn so với những năm trước, đặc biệt là ở các quốc gia như Thái Lan, Myanmar hay Indonesia.
Mặc dù việc siết chặt các biện pháp phòng dịch đã làm các quốc gia thuộc Đông Nam Á chịu tổn thất nặng nề khi 9 trên 10 nền kinh tế có sự tăng trưởng âm trong năm 2020. Nhưng điều này đã trao cơ hội để Đông Nam Á vươn lên trong năm 2021.
Nhận định về vấn đề này, theo đánh giá của Tiến sĩ Lim Pich, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nâng cao Sức khỏe, Bộ Y tế Campuchia, cho đến thời điểm hiện nay, nhiều quốc gia thuộc Đông Nam Á vẫn đang duy trì hệ thống ngăn ngừa COVID-19 với mức cảnh báo cao nhất. Điều này cho phép chính phủ sẵn sàng kích hoạt ngay lập tức khi có trường hợp nhiễm bệnh xuất hiện trong cộng đồng.
“Điều quan trọng là cần nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm diện rộng để bảo toàn lực lượng lao động, sức khỏe của doanh nghiệp… để có thể chuẩn bị nền tảng hồi phục khi bước ra khỏi khủng hoảng. Đông Nam Á đã làm tốt hơn các nước thuộc châu Âu, châu Mỹ dù có ít nguồn lực hơn”, Tiến sĩ Lim cho biết.
Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là niềm tin của người dân vào Chính phủ tại nhiều quốc gia đã tăng lên sau khi các biện pháp chống dịch phát huy tác dụng, góp phần duy trì sự bình ổn chính trị của khu vực.
Cùng sự phát triển của các giải pháp kỹ thuật số mới và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác khu vực sẽ giúp Đông Nam Á có vị thế thuận lợi để tận dụng những thay đổi trong kinh tế toàn cầu hậu đại dịch. Theo báo cáo của Công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Oxford Business Group OBG, dự kiến khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng 6,7% vào năm 2021, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 5,2%.
Mặc dù vậy, với việc nhiều biến thể gây COVID-19 xuất hiện tại một số nước trong khu vực, các chuyên gia cảnh báo, điều này sẽ là một thách thức lớn nếu các chính phủ không nâng cao các biện pháp phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố bất thường trong chuỗi cung ứng không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về khả năng của ASEAN trong việc tạo ra một cộng đồng kinh tế.
Như Bilahari Kausikan, cựu bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore chỉ ra, các nước ASEAN có xu hướng có những lợi ích và ưu tiên khác nhau. Mỗi thành viên phải đối mặt với những thách thức xã hội, kinh tế và chính trị riêng. Điều này càng đúng khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra.
“Sự chú trọng này vào các vấn đề đối nội chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ASEAN. Cùng với những biến động chính trị bên ngoài như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc… Các quốc gia không nên quá lạc quan mà cần hành động một cách thận trong như năm 2020”, ông cho biết.
Chuyên gia này cũng phân tích thêm, trong tương lai, ASEAN phải nỗ lực hơn nữa để duy trì và nâng cao những thành công và thành tựu hiện có. Điều quan trọng là ASEAN phải tăng cường các thế mạnh của mình và đẩy mạnh thúc đẩy pháp quyền trong khu vực. Đồng thời thúc đẩy minh bạch và nỗ lực giảm thiểu tham nhũng.
Ông nhấn mạnh: “Cần có nhiều nỗ lực tập thể hơn để giải quyết khoảng cách phát triển, đặc biệt liên quan đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, áp dụng công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng”.
Cẩm Anh