eKYC được các ngân hàng Việt Nam chính thức thử nghiệm vào mở tài khoản từ tháng 7/2020. Qua giai đoạn thử nghiệm, nhiều ngân hàng đã hái quả ngọt, nhưng cũng có những ngân hàng thất bại do lỗ hổng về công nghệ và sự chuẩn bị chưa kỹ càng, có ngân hàng lại không dám làm vì sợ rủi ro.
Hiện các doanh nghiệp và công ty đặc biệt là các tổ chức tài chính và ngân hàng đang trải qua một quá trình số hóa quyết liệt. Và chuyển đổi số là một phần tất yếu để phù hợp và thích nghi trong thời đại công nghiệp 4.0 này.
Quá trình xác minh KYC bằng các phương thức truyền thống thường mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để xử lý. Vì vậy việc chuyển đổi từ KYC sang eKYC là quá trình tất yếu để phát triển.
eKYC (Electronic Know Your Customer) là quá trình nhận biết danh tính khách hàng trên các tài khoản điện tử từ xa mà không cần giấy tờ xác định danh tính khách hàng khi mở tài khoản và sử dụng tài khoản ngân hàng điện tử. Việc chuyển đổi từ KYC sang eKYC sẽ giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực so với phương thức định danh khách hàng truyền thống trước đây. Ngoài ra việc định danh eKYC còn hạn chế các tình trạng giả mạo danh tính, chữ ký và các hành vi lừa đảo khác.
eKYC thường yêu cầu người dùng chụp ảnh chứng minh thư hoặc hộ chiếu của họ, sau đó sẽ chụp gương mặt và điền thêm một số thông tin cơ bản khác. Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ so sánh ảnh của bạn và ảnh trên giấy tờ tùy thân để xác nhận xem dữ liệu có đúng không.
Theo phóng viên, với eKYC, khách hàng chỉ cần có thiết bị di động được kết nối internet trong tay là có thể mở tài khoản ngay trong ít phút một cách an toàn tuyệt đối. Sau khi mở tài khoản, khách hàng có thể thực hiện ngay các giao dịch như chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm, thanh toán online…
Với những tiện ích như vậy, eKYC khiến người ta liên tưởng tới xu hướng One Stop Shopping đang phổ biến – cung cấp tất cả dịch vụ tại một điểm đến. Trên thế giới, One Stop Shopping được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả tài chính ngân hàng, cho phép khách hàng chỉ truy cập một nơi và đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch của mình ở khắp mọi nơi.
Tại Việt Nam, One Stop Shopping mới phổ biến chủ yếu ở lĩnh vực bán lẻ, dễ nhìn thấy tại các các đại trung tâm thương mại như Vincom, Crescent Mall, Aeon Mall, Lotte Mart… đang áp dụng rất thành công, hay ở lĩnh vực du lịch cũng vậy. Còn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, One Stop Shopping dường như chưa được sử dụng nhiều.
Tuy nhiên thực tế, những sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng đi tiên phong, nhất là trong lĩnh vực số hóa hoặc có hệ sinh thái khách hàng đa dạng đang cho thấy họ đều đã đi theo mô hình One Stop Shopping từ lâu. Chẳng hạn, với các tài khoản mở bằng eKYC, khách hàng có thể dễ dàng thanh toán hóa đơn và QR Pay, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn,…ngay trên app của mình – một điểm đến cung cấp nhiều dịch vụ.
Bảo An