Sau mấy thế kỷ phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nếu nhìn một cách tổng thể, chúng ta sẽ thấy khoa học và kỹ vừa có những mặt tích cực, vừa có những mặt tiêu cực.
Khi nói đến khoa học và công nghệ, chúng ta thường nghĩ ngay đến những công dụng, tức là đến những tác động tích cực của chúng tới đời sống nhân loại. Đây cũng chính là một trong những ý tưởng trung tâm của thời Hiện đại, đặc biệt là thời Khai sáng, khi người ta tin rằng bằng lý trí, con người có thể khám phá và cải biến thế giới để làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản than, khi chúng ta tin rằng sự phát triển của khoa học kỹ thuật đồng nghĩa với tiến bộ và hạnh phúc của con người.
Thoạt nhìn, điều đó rất hiển nhiên. Trong mấy thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến những thành tựu kỳ diệu của khoa học kỹ thuật mà trước đó chỉ có thể có trong truyện cổ tích hay những giấc mơ siêu thực. Chính nhờ khoa học và kỹ thuật, chúng ta đã chế ra vô số máy móc, giải phóng con người khỏi những lao động nặng nhọc, vượt sông, lấn biển, băng qua đại dương, bay lên bầu trời, đến tận mặt trăng và các vì sao. Nhờ có khoa học, chúng ta không chỉ có thể ghi lại lời nói và hình ảnh của mình, mà còn có thể truyền những lời nói và hình ảnh ấy qua thời gian và không gian. Khoa học còn giúp chúng ta khám phá thế giới vi mô, sáng tạo những vật liệu mới, chế ra các loại thuốc chữa bệnh và giúp kéo dài tuổi thọ. Chắc chắn là chúng ta không thể kể hết những điều kỳ diệu mà khoa học kỹ thuật mang lại cho con người.
Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học – kỹ thuật có đồng nghĩa với tiến bộ và hạnh phúc của con người hay không lại là chuyện khác. Sau mấy thế kỷ phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nếu nhìn một cách tổng thể, chúng ta sẽ thấy khoa học và kỹ không chỉ có những mặt tích cực, mà còn có những mặt tiêu cực. Thậm chí có thể nói rằng mặt tiêu cực đang dần dần lấn át mặt tiêu cực. Giống như một thứ vũ khí boomerang của thổ dân Châu Đại Dương, khoa học – kỹ thuật đang dần trở thành hiểm họa đối với sự tồn vong của chính nhân loại. Những tác động xấu của khoa học thể hiện ở bốn cấp độ khác nhau.
Trước hết, ở cấp độ thấp nhất, nhờ sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, người ta làm ra ngày càng nhiều những thứ ngày càng tồi tệ, như bom đạn, tên lửa, chất độc hóa học và sinh học, với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Về mặt lý thuyết, tự thân chúng, những thứ này không có lỗi; chúng chỉ trở thành nguy hiểm nếu bị con người sử dụng để phục vụ những mục đích xấu. Trên thực tế, những mục đích xấu luôn luôn tồn tại và luôn luôn được che chở bởi hệ thống các quan hệ quyền lực bất công trên thế giới. Ngay cả luật pháp cũng là sự thể hiện của hệ thống quyền lực bất công ấy. Chúng ta thấy có vô số sự phi lý, vô số sự bất bình đẳng trong các hệ thống pháp luật quốc gia cũng như quốc tế. Vì vậy, khoa học kỹ thuật không ngừng được sử dụng để phục vụ chiến tranh và tội ác.
Cấp độ thứ hai là sự tác động đến thế giới tự nhiên, trong đó gần gũi nhất là môi trường sống của chính chúng ta. Chính khoa học – kỹ thuật là công cụ để chúng ta tàn phá thiên nhiên. Chúng ta ra sức lấp sông, phá rừng, xả rác, tiêu diệt các loài sinh vật, làm nhiễm độc nguồn nước. Mọi hoạt động của con người, từ nấu ăn, sưởi ấm đến đi lại, luyện thép… đều tham gia vào việc tàn phá thiên nhiên. Hàng triệu, hàng triệu chiếc ô tô, hàng nghìn máy bay đang ngốn ngấu ô xy, còn những quạt gió khổng lồ đang quạt không khí vào những cái miệng khủng khiếp của những lò nung clinker, những nhà máy điện… Gần đây, con người đã sực tỉnh, nhưng những nỗ lực sửa chữa chưa thấp tháp gì so với sự tàn phá vẫn đang tiếp diễn.
Cấp độ thứ ba, sự tác động tiêu cực đến bản thân con người, khó nhìn thấy hơn vì nó thường gắn với những khoái cảm vật lý và sinh lý, hoặc những nhu cầu ngắn hạn, của con người. Khi mới xuất hiện, các sản phẩm của khoa học – kỹ thuật bao giờ cũng được ca ngợi và chào đón với niềm hân hoan. Nhưng dần dần, nó làm chúng ta thay đổi. Các phương tiện giao thông hiện đại làm chúng ta lười vận động, sự dồi dào thực phẩm khiến bệnh tật lan tràn, sự tiện dụng của hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa dùng một lần, khiến chúng ta mất dần khả năng tư duy về các quá trình lao động, đồng nghĩa với mất dần tư duy logic để trở thành những cá thể sống thụ động. Các mạng xã hội đang khiến hàng tỷ người chìm ngập trong rác thông tin và tiến dần vào kỷ nguyên mất trí tập thể.
Cấp độ thứ tư, đáng suy nghĩ nhất, cũng là cấp độ cao nhất, nhưng lại ít được nói đến nhất, bởi vì nó liên quan đến bản chất quan niệm của chúng ta về văn minh và phát triển. Nền văn minh của nhân loại nói cho cùng là một quá trình chống lại quy luật tự nhiên. Trong thế giới chúng ta biết một quy luật phổ quát là entropy luôn luôn tăng: thế giới luôn luôn hướng về trạng thái hỗn loạn tuyệt đối, khi entropy cực đại. Thể hiện trực quan của quy luật này là nguồn năng lượng cao luôn có xu hướng là chuyển xuống nơi có năng lượng thấp hơn: nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp, nhiệt chuyển từ nơi nóng xuống nơi lạnh… Nhưng nền văn minh nhân loại là một quá trình ngược lại: chúng ta bơm nước từ thấp lên cao, chở vật liệu từ chân núi lên đỉnh núi, làm lạnh nước, tăng áp suất không khí lên so với áp suất khí quyển… Có thể nói rằng trình độ văn minh của nhân loại được đo bằng mức độ chống lại tự nhiên. Nhưng càng chống lại tự nhiên thì mức độ mạo hiểm càng cao.
Khi tôi viết những dòng này, đại dịch Covid 19 vẫn đang là vẫn đề lớn đối với nhân loại. Có rất nhiều cuộc tranh cãi với quan điểm khác nhau về nguồn gốc, cách phòng chống dịch. Nhưng theo chúng tôi, có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận, đó là cách con người ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống đã góp phần không nhỏ vào các nguy cơ dịch bệnh: những siêu đô thị tập trung hàng triệu người, những hệ thống giao thông công cộng chen chúc, những không gian làm việc tập trung đóng kín với hệ thống điều hòa trung tâm, những hệ thống y tế và các tập đoàn dược phẩm chạy theo lợi nhuận.
Nhưng ngay cả các công nghệ vaccine tiên tiến, bên cạnh lợi ích ngăn chặn dịch bệnh, chúng có phải là tác nhân tạo ra các biến thể mới ngày càng nguy hiểm hơn không?
Cũng trong những ngày này, tin tức về sự lũng loạn của Facbook đang gây lo lắng cho cả thế giới: công nghệ số rõ ràng đang biến hàng tỷ người thành những con nghiện bị theo dõi và bị định hướng. Nhưng Facebook chỉ là một ví dụ cụ thể. Nhưng không chỉ các cá nhân, mà cả các cơ quan, tổ chức, các chính phủ cũng có nguy cơ bị biến thành con tin, khi tất cả các hoạt động tài chính, quân sự, hành chính, chính trị… đều phụ thuộc vào, và có thể bị kiểm soát bởi các trung tâm công nghệ.
Sự phát triển nhanh chóng của Trí tuệ nhân tạo thậm chí còn đặt ra những vấn đề trầm trọng hơn nữa. Robot, với năng lực trí tuệ vượt trội và không có những giới hạn vật lý của cơ thể người, liệu có phải là hiểm họa cuối cùng của nhân loại hay không?
TS. Ngô Tự Lập – Viện Quốc tế Pháp ngữ