Chuyển tới nội dung

Tú Lệ, mùa nếp chín

Nếp Tú Lệ có thương hiệu là bởi hạt gạo không chỉ to, tròn mà hơn thế, còn rất trắng trong, mười hạt mẩy như mười. Chúng không bao giờ bị gẫy như những loại nếp thông thường khác, dù cho trong quá trình chế biến có bị va đập mạnh. Khi mang gạo ấy đồ lên được đĩa xôi vừa dẻo, lại có vị béo ngậy và ngọt đậm, hương thơm bay khắp gần, xa…

Tu-Le-3

Mùa lúa chín ở Tú Lệ.

Một ngày cuối Thu, tôi có mặt tại thung lũng Tú Lệ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Giây phút đầu tiên có mặt ở miền xứ cốm Tú Lệ, tôi bị choáng ngợp, mê mẩn bởi kiệt tác của thiên nhiên – một thung lũng bao la rực rỡ sắc vàng trên những thửa ruộng bậc thang lượn sóng khi mùa nếp chín vào mùa.

Trân trọng mời khách món cốm mang màu xanh đặc trưng, ông Sầm Quang Thung, người đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” và gắn bó gần hết phận đời của mình với thứ lúa nếp trời ban cảm động: “Khách miền xuôi không biết đâu. Tên của món nếp mà tiên ông xưa ban cho người Thái Tú Lệ mình là Tan Lả đấy chứ. Còn Tú Lệ chỉ là tên địa phương thôi!”.

Tú Lệ – nơi nuôi dưỡng “hạt ngọc” trời ban
Chuyện kể rằng, tổ tiên của người Thái được tiên ông ban cho một giống thóc quý. Và nói với các con dân của mình: Hãy đi tìm một nơi thích hợp để gieo trồng, sẽ được loại nếp thơm ngon không gì sánh nổi. Vâng lời, người Thái đã chia nhau ra mang theo giống lúa ấy đi khắp vùng Tây Bắc tìm nơi đất tốt. Nhưng rốt cuộc, không nơi nào như điều tiên ông mong muốn.

Trong khi đó, một tộc người Thái đặt chân tới chân đèo Khau Phạ – “sừng trời” – sau rất nhiều ngày băng rừng; trèo đèo lội suối tìm đất gieo giống lúa tiên ông ban phát. Dưới chân đèo Khau Phạ có con suối Mường Lùng. Và khi cúi xuống khum bàn tay vốc nước uống chợt bàng hoàng thấy ngọt lịm khác thường. Vừa lúc ngẩng mặt nhìn lên, những cư dân người Thái lần đầu tiên trong đời đặt chân tới xứ sở này đã vô cùng sững sờ khi bắt gặp một thung lũng vô cùng phì nhiêu, tốt tươi.

Cho rằng đã gặp duyên trời định, vị trưởng tộc người Thái liền quyết định dừng chân tại chân núi Khau Phạ, cạnh con suối Mường Lùng. Họ đồng lòng vỡ đất tạo nên những thửa ruộng bậc thang để gieo giống lúa quý. Gặp đất tốt và nguồn nước ngọt của suối Mường Lùng, thóc gieo xuống nhanh nảy mầm và tươi tốt lạ thường.

Một ngày nọ, khi cây lúa trổ bông tỏa ra một hương thơm tinh khiết. Khi lúa chín, đem xay được những hạt gạo to tròn, trắng trong, có hương thơm quyến rũ đặc biệt. Rồi khi mang gạo ấy đồ lên được đĩa xôi vừa dẻo, lại có vị béo ngậy và ngọt đậm vô cùng, hương thơm bay khắp gần, xa….“Cái tích” nhuốm màu sắc huyền thoại về sự ra đời của giống nếp Tan Lả của người Tú Lệ là vậy.

Trước kia, thung lũng Tú Lệ thuộc Mường Lò. Bây giờ, đất Tú Lệ là đơn vị hành chính cấp xã, thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Chủ nhân của vùng đất Tú Lệ là bà con người Thái, người Dao quây quần, đắp đổi cho nhau. Tú Lệ không chỉ nằm dưới chân núi Khau Phạ mà còn có thêm núi Khau Thán và Khau Song, được ba ngọn núi – ba con đèo cùng tên (được mệnh danh tứ đại đèo của nước Việt) – ôm gọn trong lòng. Vì vậy, thung lũng Tú Lệ có biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày khá lớn, về mặt thời gian cũng khác biệt đêm luôn dài hơn ngày.

Người ta cho rằng nhờ có điều kiện địa lý – khí hậu đặc biệt như thế nên chất lượng của gạo nếp Tú Lệ mới có sự khác biệt, có một không hai. Một trong những đặc điểm cơ bản đầu tiên khiến gạo nếp Tú Lệ có thương hiệu là bởi, hạt gạo không chỉ to, tròn mà hơn thế, còn rất trắng trong, mười hạt mẩy như mười. Chúng không bao giờ bị gẫy như những loại nếp thông thường khác, dù cho trong quá trình chế biến có bị va đập mạnh.

Cũng lại rất khác lạ với tất cả các loại nếp của tất cả các vùng miền khác, gạo nếp Tú Lệ khi đem đồ xôi có vị thơm ngọt, mềm dẻo. Hạt xôi rời tròn căng mẩy chứ không hề dính lấy nhau khiến cho người thưởng thức có cảm giác bất tiện vì bị dính tay. Và khi ăn những hạt xôi Tan Lả người ta cảm giác được vị béo ngậy, ngọt đậm chỉ riêng nó mới có.

Tu-Le-1

Nếp Tú Lệ trở thành món xôi ngũ sắc đặc biệt hấp dẫn, đẹp mắt.

Nếp Tan Lả của người Tú Lệ ngon ít nơi nào sánh bằng vì đấy là giống lúa quý tiên ông ban cho. Đấy là cái cách lý giải thuần khiết của người Tú Lệ. Tuy nhiên, nếp có giá trị riêng là do nguồn nước ngọt của con suối Mường Lùng cung cấp, cây lúa nếp Tan Lả của họ còn được gieo trồng trên một nền đất quý, hiếm. Theo đó, tầng phong hóa của thung lũng Tú Lệ không hề dày mà mỏng. Đặc biệt, nồng độ kali cao khác thường khiến cho độ phì nhiêu của đất càng tăng hơn.

Các nhà khoa học cho rằng, những điều “không bình thường” chính là yếu tố quan trọng làm tăng mạch tinh bột Aminôtécpin trong hạt thóc nếp Tan Lả. Cái đó đã quyết định tới sự dẻo thơm của hạt gạo nếp Tú Lệ, giúp nó trở thành một nông sản đặc sản mang tính vùng miền. Thêm nữa, cấu tạo địa chất của đất Tú Lệ rất tơi xốp, dễ thấm nước một cách hiếm thấy.

Yếu tố tích cực đó lại được kết hợp với khí hậu trong lành, thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên. Khi cây mạ được cắm xuống những thửa ruộng bậc thang, gặp ngay “thiên thời” lẫn “địa lợi” và đặc biệt, lại có sẵn “nhân hòa” thế là ngay lập tức, giống nếp Tan Lả bén rễ phát triển nhanh, đến khi trổ bông, nếp Tan Lả có mùi thơm của tình đất, tình người, tình lúa- một hương vị độc đáo đầy quyến rũ!.

Gìn giữ đặc sản quý

Trước đây, đã có lúc nhiều người không tin rằng, chỉ có đất Tú Lệ mới đủ “tư cách” cho ra thứ nếp ngon lạ ngon lùng ấy. Vì muốn hóa giải điều đó mà người ta đã mang giống nếp quý của người Tú Lệ đem gieo trồng nơi khác. Rốt cuộc, mùa thu hoạch, vẫn là hạt gạo mềm dẻo ấy, nhưng “hương đồng gió nội” đặc trưng nguyên thủy của nó đã…“bay đi… quá nhiều”.

Mời khách chén rượu thơm lừng được chế biến từ món nếp đặc sản của gia đình trồng được, ông Sầm Quang Thung kể: Cả năm, người Tú Lệ chỉ cấy một vụ nếp Tan Lả. Vào tháng sáu âm lịch, thóc giống được mang ra gieo mạ. Đến tháng chín, tháng mười âm lịch lúa chín. Những ngày ấy cả thung lũng Tú Lệ ngợp trong sắc vàng của lúa chín.

Tu-Le-2

Nếp Tú Lệ được người dân chế biến thành món cốm có màu xanh đặc trưng.

Trước khi chính thức vào mùa gặt, theo lệ xưa, người Tú Lệ tổ chức lễ cúng cơm mới, mong được tri ân tiên ông và cảm ơn trời đất đã cho họ một mùa nếp vàng theo đúng ý nguyện. Nhà nhà cắt cử người ra đồng trịnh trọng ngắt từng bông nếp ưng ý nhất. Một phần chỗ lúa đó, bà con làm món cốm. Phần còn lại, họ đem giã tay lấy gạo đồ xôi, thành kính dâng lên tiên ông và tổ tiên món cốm mang màu xanh đặc trưng và những đĩa xôi ngũ sắc hấp dẫn, đẹp mắt.

Người Tú Lệ cho rằng, giống nếp Tan Lả là một phần tâm hồn và cốt cách của mình. Do vậy, họ coi nó chính là hiện thân của văn hóa vật thể tối linh. Từ ý thức hệ thiêng liêng đó, kể từ lúc làm đất gieo hạt giống thành cây mạ và sau cùng thành những bông lúa trĩu vàng, ngoài phương thức canh tác thủ công gia truyền, người Thái, người Dao Tú Lệ không bao giờ sử dụng bất cứ một thứ hóa chất gì với cây lúa.

Ông Sầm Quang Thung thổ lộ, vì coi cây lúa nếp Tan Lả là vật thiêng cho nên, xưa nay người ta chỉ áp dụng duy nhất phương pháp nuôi dưỡng nó bằng chất hữu cơ mà thôi. Kể cả quá trình gặt hái; chế biến thành phẩm sau thu hoạch xưa nay, người Tú Lệ cũng lại chỉ áp dụng các phương thức truyền thống, dẫu rằng những tiến bộ công nghệ của thời 4.0 đã xuất hiện tại thung lũng này.

Tuần tự như vậy, mỗi năm mỗi vụ lặp đi lặp lại, ấy thế nhưng, chưa khi nào người Tú Lệ có cảm giác “chán việc” mà lơ là, chểnh mảng với việc chăm sóc cây lúa nếp Tan Lả của mình. Quá trình ấy diễn ra miệt mài, không khác gì người ta đầu tư cho một công trình nghệ thuật linh thiêng giá trị.

Giống nếp Tan Lả trở nên hảo hạng còn là bởi, trong mỗi hạt gạo thơm dẻo nức tiếng ấy đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu của biết bao kiếp người Tú Lệ trong quá trình gian nan vật vã tìm cách bảo tồn, duy trì và phát triển nguồn gen quý hiếm của nó từ buổi khởi nguyên.

Nếu chỉ có đất – nước – khí hậu mà lại không có sự tận hiến của người dân Tú Lệ dành cho di sản văn hóa vật thể mà bao đời cha ông để lại, chắc gì hạt nếp Tan Lả bây giờ đã có “thương hiệu” bởi cái sự “ngon” độc nhất vô nhị mà trở thành kinh tế hàng hóa, làm rạng danh vùng đất Tây Bắc hùng vĩ và tráng lệ?

Lê Công Hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved