Nhận định tuần giao dịch tới, CTCK BSC cho rằng, thị trường chứng khoán duy trì xu hướng vận động trong vùng điểm đã có như tuần qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm sau IHS Markit công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 của Việt Nam đạt 40,2 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã suy giảm đáng kể.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày đầu tháng 10, chỉ số VN-Index giảm 7,17 điểm xuống 1.334,89 điểm. HNX-Index giảm 0,84 điểm xuống 356,49 điểm. UPCoM-Index giảm 0,58 điểm xuống 95,98 điểm.
Phó Thống đốc NHNN cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1% – 7,7% khiến cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh ở CTG (-2,1%), VCB (-1,3%). Theo Bloomberg, các quan chức cấp cao tại Bắc Kinh đã yêu cầu một loạt công ty năng lượng nhà nước phải tích trữ đủ nguồn cung than đá, dầu mỏ, điện,… cho mùa đông năm nay bằng mọi giá giúp cổ phiếu dầu khí tăng giá ở GAS (+2,7%), BSR (+2,5%). Cổ phiếu ngành hàng không giao dịch tích cực hơn thị trường chung ở VJC (+0,7%), HVN (-0,4%) trước thông tin vận tải hàng không nội địa sẽ được khai thác trở lại theo 4 giai đoạn từ 1/10. Khối ngoại bán ròng ở MSN (-1,8%), VCB (-1,3%), VHM (-1,7%).
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán trong nước giảm điểm trở lại khi thị trường thế giới biến động cùng với bối cảnh nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán,… cản trở thị trường trong phiên cuối tuần. Thanh khoản tăng thêm khi tiến về ngưỡng hỗ trợ 1.330 điểm. Trong khi đó, khối ngoại phiên này vẫn tiếp tục bán ròng. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX phiên này đạt 18.194 tỷ đồng, tăng 38% so với phiên liền trước.
Nhận định tuần giao dịch tới, CTCK BSC cho rằng, thị trường chứng khoán duy trì xu hướng vận động trong vùng 1.330-1.350 điểm trong tuần qua. Dòng tiền đầu tư tiếp tục thu hẹp vào 1 số ngành nhất định, khi chỉ có 6 trên 19 ngành tăng điểm, với 127 cổ phiếu tăng, và 260 cổ phiếu giảm. Các nhóm đóng góp chính cho thị trường là nhóm Tiện ích, Dầu khí, và Tài nguyên cơ bản. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước, khi xu hướng giằng co tiếp tục. Trong khi đó, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên thị trường. Giai đoạn phân hóa kéo dài cùng với các chỉ báo vĩ mô tiêu cực đã khiến các nhà đầu tư chốt lãi ngắn hạn trong tuần này.
Tuần tới, thị trường sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.320-1.330 điểm. Kết quả tăng trưởng kinh tế quý 3/2021 đạt mức âm 6,17%, mức giảm sâu nhất trong lịch sử. TÌnh trạng giãn cách kéo dài trong cả quý ba, đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh, và khiến cấu phần tiêu dùng bán lẻ suy giảm âm 7,1% trong 9 tháng đầu năm 2021. Tuy tình hình kinh tế vĩ mô quý 3 khá tiêu cực, nhưng với việc số ca nhiễm giảm mạnh, số người tiêm phòng vắc-xin gia tăng nhanh chóng, và các chính sách hỗ trợ, sẽ giúp nền kinh tế hồi phục trở lại trong quý 4, khi chính phủ dần xóa bỏ các chỉ định giãn cách xã hội.
Nhận định về xu hướng thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho biết, chỉ số VN-Index tiếp tục kéo dài chuỗi đi ngang và hiện đang vận động tại điểm giữa của mô hình, sát vùng hỗ trợ gần quanh 1.330 (+-5) điểm, tương ứng với ngưỡng Fibonacci Retracement 50% giao với MA100.
“Mặc dù khả năng quay xuống cận dưới, tại vùng hỗ trợ mạnh 1.30x điểm vẫn để ngỏ, nhưng chúng tôi tiếp tục nghiêng về khả năng bứt phá thành công của VN-Index, sau khi hoàn tất nhịp điều chỉnh tích lũy này. Nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ vị thế trung hạn và chỉ kê mua lại một phần vị thế trading ở vùng giá thấp trong các nhịp điều chỉnh về lại hỗ trợ”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.
Phân tích với nhà đầu tư, chuyên gia của CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục biến động hẹp trong phiên giao dịch kế tiếp. Dòng tiền sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch sang các cổ phiếu cơ bản có thông tin lợi nhuận quý 3 khả quan để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này. Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư đang kiểm soát tỷ trọng danh mục cho phù hợp để chủ động hơn trước những diễn biến bất ngờ của thị trường khi thông tin lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp dần được hé lộ. Các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn vẫn có thể xem xét mua trading trong các nhịp thị trường rung lắc, điều chỉnh.
Nguyễn Long