Có thể kể đến: sóng vô tuyến, mạng xã hội, vũ trụ ảo, thậm chí trên cả vũ trụ thật.

Marketing đã trải qua 4 giai đoạn lớn trong 120 năm qua, bao gồm: Thông báo sản phẩm, Thúc đẩy doanh thu, Khách hàng làm trung tâm và Tăng cường kết nối.

Quảng cáo là “thông báo”

Thủa ban đầu, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo tiền đề cho tiếp thị hiện đại. Lý thuyết marketing lúc này rất đơn giản: khách hàng chỉ cần được thông báo về những lựa chọn mà họ có thể tiếp cận. Cách tiếp cận này có lẽ được tóm tắt tốt nhất bằng một câu nói của Henry Ford: “Nếu bạn có một món hàng thực sự tốt, nó sẽ tự quảng cáo chính nó”.

Các ấn phẩm quảng cáo của hãng ô tô Ford thời kì này mang tính thông tin cao, nhấn mạnh vào giá cả, chất lượng và các tiêu chuẩn công nghiệp. Kết quả là, nhu cầu xe ô tô tăng vọt đến nỗi Ford chỉ cần tập trung vào sản xuất xe mà không thèm quảng cáo trên toàn quốc từ năm 1917 đến năm 1923.

Cách thức quảng cáo kiểu “thông báo” như vậy chỉ hiệu quả nếu sân chơi chỉ có một mình bạn. Tuy nhiên, thị trường ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh nên quảng cáo bước sang giai đoạn 2.

Thời kỳ “doanh số”

Từ những năm 1930 trở đi, hầu như mọi lĩnh vực đều xuất hiện các đối thủ cạnh tranh. Trước áp lực chọn lọc tự nhiên, các doanh nghiệp đã phát triển những cách thức quảng cáo độc đáo. Điều này dẫn đến hai đổi mới cốt lõi của tiếp thị hiện đại: tầm quan trọng của bản sắc thương hiệu và nhấn mạnh vào định hướng bán hàng. Nếu trong những năm 1920, Coke lên kế hoạch quảng cáo theo định hướng sản xuất như của Henry Ford, chắc hẳn họ sẽ giảm quảng cáo trong mùa đông, vì doanh thu trong thời gian này thấp hơn bình thường. Nhưng họ đã nghĩ khác: tập trung vào thúc đẩy doanh số bán hàng bằng cách gắn nhãn hiệu của mình với hình ảnh một ông già Noel để thu hút người tiêu dùng.

Kết quả là họ cộng tác với hoạ sĩ Haddon Sundblom từ 1931 tới 1964, nâng tầm hình ảnh ông già Noel mùa lễ giáng sinh, và cũng không sai khi khẳng định chính Coke đã ghi dấu ấn hình ảnh ông già Noel mạnh mẽ trong nền văn hoá đại chúng.

Khách hàng làm trung tâm

Theo thời gian, giới marketing hiểu rõ hơn nhu cầu, mối quan tâm và mong muốn của người tiêu dùng. Đến những năm 1980, khách hàng dần trở thành trung tâm của hoạt động kinh doanh, bao gồm cả hoạt động tiếp thị. Cách tiếp cận của marketing trong giai đoạn này cũng khác, khi một quảng cáo thu hút đôi khi không cần phải trưng bày sản phẩm, như những gì Apple đã làm với quảng cáo Super Bowl năm 1984.

Apple tung ra quảng cáo để nói về chiếc máy tính Macintosh mới, nhưng xuyên suốt đoạn phim họ không trưng bày một chiếc máy nào cả. Họ cũng không nói về bất kỳ tính năng nào, cũng không lôi kéo người xem mua sản phẩm. Toàn bộ quảng cáo tập trung vào một thông điệp: công nghệ đưa chúng ta vào một thế giới mới, nơi khách hàng là trung tâm chứ không phải là các công ty lớn.

Qung-cao-trong-metaverse

Quảng cáo trong metaverse.

Tăng cường kết nối

Ngày nay, hoạt động marketing được xây dựng xung quanh các mối quan hệ, tập trung vào việc khuyến khích sự duy trì và lòng trung thành của khách hàng cũng như tiếp tục tương tác với thương hiệu. Các kênh tiếp thị kỹ thuật số giúp người dùng tương tác tốt hơn, trong khi nền tảng mạng xã hội đưa thương hiệu đến với đại chúng dễ dàng hơn. Hãng cung cấp thiết bị ngoài trời và trang phục thể thao REI hoạt động theo mô hình mà khách hàng có thể trở thành thành viên. Với khoản phí trả một lần, các thành viên có quyền sử dụng một số đặc quyền và hưởng mức chiết khấu cao. Chiến lược này ngay lập tức thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu một cách hiệu quả.

Cũ nhưng không bỏ

Mặc dù tiếp thị đã đi tới gian đoạn tăng cường kết nối, nhưng các phương pháp quảng cáo ở những giai đoạn trước vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay. Thậm chí trong một quảng cáo có thể dùng nhiều hơn một phương pháp. Ví dụ quảng cáo “Ngại gì vết bẩn” của Omo: Cứ cho bé chơi nghịch khám phá thoải mái (khách hàng làm trung tâm), vì Omo tẩy được 99 loại vết bẩn (thông báo tính năng).

Vậy điều gì đang chờ đón chúng ta trong thập kỉ mới? Như mọi khi, các tiến bộ công nghệ và nhu cầu thay đổi của khách hàng sẽ dẫn đến những cách tiếp cận mới trong tiếp thị. Việc tiếp tục áp dụng Thực tế tăng cường (AR) và Thực tế ảo (VR) sẽ cho phép các thương hiệu tạo nên trải nghiệm mua sắm thú vị hơn. Ví dụ như Shopee đã ứng dụng thử nghiệm gian hàng ảo đợi khuyến mãi cuối năm vừa qua.

Ngoài ra, việc quảng cáo trong vũ trụ ảo cũng sẽ là một xu hướng mới mà các hãng thời trang xa xỉ như Gucci hay Dior đã có kế hoạch quảng cáo. Các nhãn hàng Việt không nên bỏ qua.

Cáp Tần