Từ lâu, xôi ngũ sắc đã được biết đến là ẩm thực đặc sản, món ăn truyền thống trong các dịp lễ tết của đồng bào dân tộc Mường (xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung.
Trên miền đất Phú Thọ với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây vô cùng phong phú, tạo nên một bức tranh đa màu sắc nhất là về văn hóa – ẩm thực. Mỗi một dân tộc lại có những món ăn được chế biến theo những cách riêng từ nguồn nguyên liệu đặc trưng, nhưng tựu chung lại, đó đều là những nét văn hóa cả về vật chất và tinh thần của người dân Đất Tổ.
Trong những câu chuyện dài với các bà, các mẹ người Mường ở xã Tân Phú, chúng tôi được nghe một truyền thuyết rât hay và ý nghĩa về xôi ngũ sắc. Đó là câu chuyện thể hiện sự tinh tế trong ứng xử của người Mường với mẹ thiên nhiên, về tinh thần lao động hăng say để làm nên những hạt gạo, về lòng hiếu thảo và ứng xử đẹp của con người. Giống như sự đa dạng trong các mối quan hệ xã hội của con người, xôi ngũ sắc là sự kết hợp đa dạng, tinh tế của nhiều loại cây, củ, quả để tạo thành món xôi thơm, ngon độc đáo.
Sáng sớm, khi núi rừng còn ngà ngà một màu trắng đục của sương mù, từ những nếp nhà sàn đơn sơ hương thơm của nếp vương vít khắp không gian, đậu vào từng nhánh cây ngọn cỏ, khiến người khách xa cũng thấy xốn xang. Văng vẳng trong không gian lời hát Ví, Rang say đắm lòng người, thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ Mường tảo tần chuẩn bị gạo đồ xôi, người đàn ông trong nhà lên rừng kiếm những nguyên liệu để tạo màu sắc.
Màu tím, xanh lam, đỏ là dùng 3 loại lá cây cơm nếp ngâm gạo; màu vàng từ hoa khô của một loại cây trên rừng, còn màu trắng thì để nguyên gạo, thế là được 5 màu rất đẹp. Gạo nếp cái sau khi ngâm nước sẽ được trộn theo từng màu khác nhau, ngâm qua đêm để màu thấm vào từng hạt gạo nếp. Sắc màu của xôi còn thể hiện những ước vọng của người Mường về một cuộc sống hài hòa với trời đất, sự sum vầy của gia đình, sự gắn kết của cộng đồng và sự may mắn trong cuộc sống.
Năm màu của xôi tượng trưng cho triết lý ngũ hành âm dương và con người hòa hợp. Màu đỏ tượng trưng cho Hỏa, màu trắng tượng trưng cho Kim, màu xanh lam tượng trưng cho Thủy, màu vàng là Thổ và tím tượng trưng cho Mộc. Đồng thời, nó còn thể hiện tình cảm đoàn kết của dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc ở miền Tây Bắc nói chung.
Quá trình đồ xôi ngũ sắc cũng đòi hỏi phải có một sự cảm nhận đủ chuẩn của người nấu để có thể nấu một nồi xôi đủ thời gian, vừa chín tới, vừa đượm màu. Nếu chín quá, xôi sẽ nhão, mất đẹp khi các màu sắc dễ lẫn vào nhau. Trõ xôi ngũ sắc được bắc ra khỏi bếp cũng là lúc bàn tay khéo léo của người nấu xới, gạt để trộn đều các lớp xôi màu với nhau để xôi được trộn thành ngũ sắc đẹp mắt.
Nghe người già trong bản người Mường kể chuyện, trõ xôi ngũ sắc ngon còn thể hiện người con trai khéo léo, người con gái có nết. Sắc màu của xôi ngũ sắc cũng thể hiện những ước vọng của người Mường về một cuộc sống hài hòa với trời đất, sự xum vầy của gia đình, sự gắn kết của cộng đồng và sự may mắn trong cuộc sống.
Có lẽ vì thế, mà xôi ngũ sắc là món ăn thường được đồ để sử dụng trong các dịp lễ, tết, những bữa tiệc tiếp khách quý. Xôi ngũ sắc thường hiện diện trên bàn thờ dịp Tết Nguyên đán hay các dịp rằm tháng riêng, tháng 5, tháng 8 để cúng tổ tiên, ông bà như một lời khẳng định tấm lòng thơm thảo con cháu tưởng nhớ đến cội nguồn tổ tiên.
Cũng theo chia sẻ của bà Phùng Thị Hoa Lê – Sở VHTT&DL Phú Thọ cho biết: “Xôi ngũ sắc người Mường là món ăn thường được đồ để sử dụng trong các dịp lễ, tết, những bữa tiệc tiếp khách quý. Mâm xôi ngũ sắc trong những ngày lễ tết thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, tình yêu thương, sự gắn kết của cộng đồng và cầu mong mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình”…
Có dịp đặt chân tới mảnh đất Tân Sơn vào một ngày giáp Tết, khi ánh lửa hồng bập bùng trong những ngôi nhà sàn như làm ấm thêm không khí se lạnh của mùa đông. Bên bếp lửa hồng người già, con trẻ cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng sau một ngày lao động, nâng chén rượu cay nồng thưởng thức hương vị thơm ngon của những hạt ngọc trời.
Huyền Chi