khoinghiepbangthautom1

Saigonbooks đã khởi nghiệp khá thành công khi chọn phương án tăng trưởng bằng phương pháp M&A.

Trong giai đoạn khủng hoảng, giá trị các doanh nghiệp, cả tốt lẫn xấu, bị sụt giảm. Và đây chính là thời cơ cho một loại hình khởi nghiệp đặc biệt phát triển: khởi nghiệp bằng cách thâu tóm.

Khởi nghiệp thần tốc

Năm 2016, doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh, cựu Phó Tổng giám đốc PNJ, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), bất ngờ khởi nghiệp ở tuổi 44 bằng Saigonbooks- một công ty sách. Ngay trong giai đoạn đầu vừa thành lập, Saigonbooks đã có thể tung ra thị trường đến 90 đầu sách vào năm 2018. Sau đó, Công ty lên kế hoạch mỗi tháng tung ra thị trường đến 10-15 đầu sách mới. Theo thống kê, số đầu sách của họ hiện nay đã vượt hơn 300.

Thông thường, các công ty sách mới khởi nghiệp chỉ có thể phát hành 10- 20 đầu sách mỗi năm. Với tốc độ của mình, Saigonbooks đã có bước tăng trưởng thần tốc, và đạt quy mô của một công ty tầm trung ngay sau khi ra đời.

Vậy đâu là bí quyết tăng trưởng thần tốc của Saigonbooks?

Thực ra, Saigonbooks đã không chọn bắt đầu từ con số 0. Ngoài việc tự phát triển sản phẩm, Saigonbooks còn tích cực chọn phương án tăng trưởng bằng phương pháp thâu tóm, liên kết, và sáp nhập.

Sau khi ra đời ít lâu, Saigonbooks tuyên bố sẽ về chung một nhà với Zenbooks. Công ty sau sáp nhập có đội ngũ biên tập mạnh gấp đôi, số đầu sách gấp đôi, và tốc độ phát hành tăng gấp đôi, nhanh chóng tạo lập vị thế tốt mà các công ty khởi nghiệp khác chỉ có thể mơ ước.

Chiến lược tương tự cũng được áp dụng bởi một công ty khác ở lĩnh vực giao hàng. Thành lập năm 2014, Tín Tốc là một trong những “tay đua” thi đấu trên thị trường giao hàng đang dần định hình tại thời điểm đó. Trong khi Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm sử dụng phương pháp phát triển bằng cách tự xây dựng và mở rộng bằng nguồn vốn đầu tư, Supership mở rộng bằng phương pháp nhượng quyền, thì Tín Tốc giải quyết vấn đề tăng trưởng thông qua con đường M&A.

Trong vòng 6 năm tồn tại và phát triển, Tín Tốc đã có 3 lần thực hiện các phi vụ M&A các doanh nghiệp cùng ngành. Họ mở đầu bằng cuộc thâu tóm Công ty TNHH ANZShip (2017), tiếp theo là Dingdong Delivery (2019), và gần đây nhất là phi vụ thâu tóm Tốc Hành vào tháng 3/2020.

Hiện tại, tất cả các khách hàng đều được phục vụ dưới một thương hiệu duy nhất là Tín Tốc. Quá trình phát triển bằng phương pháp M&A đã nhanh chóng đưa Tín Tốc đến vị thế vững chắc trong ngành.

khoinghiepbangthautom2

Sức mạnh của thâu tóm

Thông thường, nhắc đến khởi nghiệp, người ta thường liên tưởng ngay đến nhóm những doanh nhân trẻ nhiệt huyết chập chững phát triển một sản phẩm mới.

Trong quá trình thử nghiệm này, có rất nhiều sản phẩm không bao giờ được thành hình, một số sản phẩm khi đã thành hình thì lại không tìm được thị trường. Những nhóm may mắn hơn tìm được thị trường thì lại phải đối mặt với vấn đề tổ chức doanh nghiệp sao cho tối ưu, bởi vì quy mô của họ rất khó để có lợi thế trong bất kì hoạt động nào.

Nói cách khác, trong vòng đời của doanh nghiệp, thì giai đoạn đầu tiên- giai đoạn thử nghiệm- chính là giai đoạn tỉ lệ thất bại cao nhất, rủi ro nhất, và tốn nhiều thời gian nhất.

Đối với những doanh nhân trưởng thành, có lẽ không gì quý bằng thời gian. Đã trải qua nhiều năm trong thị trường, chắc chắn phương án khởi nghiệp một cách đầy nhiệt huyết nhưng thiếu hiệu quả sẽ không hấp dẫn các doanh nhân trưởng thành. Thay vào đó, họ chọn cách thâm nhập thị trường thông qua M&A các công ty nhỏ sẵn có trong ngành, sau đó dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của công ty đó để phát triển sản phẩm mới. Với bước đi này, doanh nhân khởi nghiệp sẽ có những ưu điểm, như có thể “bỏ qua” bước thử nghiệm tốn thời gian và rủi ro để đi ngay vào giai đoạn họ có kinh nghiệm nhất: cải tiến và mở rộng; Phương án M&A sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian chạm điểm sinh lợi, tức là dòng tiền sẽ quay về nhanh hơn, hiệu suất sinh lợi cao hơn; Doanh nhân khởi nghiệp có thể tận dụng những vụ M&A như một cơ hội để quảng bá cho doanh nghiệp…

M&A hậu COVID-19

COVID-19 đã tạo ra một tình trạng không thể nào tốt hơn cho các doanh nhân khởi nghiệp bằng phương pháp M&A. Giá trị của hầu hết các công ty đều sụt giảm một cách ngắn hạn, dù giá trị cốt lõi và chất lượng hoạt động của họ không hề thay đổi về dài hạn.

Mua lại một công ty nhỏ để thâm nhập ngành là một phương pháp hiệu quả để thu thập hiểu biết về ngành mới, giảm thiểu rủi ro và thời gian. Tuy không dễ dàng đối với những doanh nhân trẻ thiếu kinh nghiệm, nhưng phương pháp khởi nghiệp bằng M&A chắc hẳn là một lựa chọn đáng lưu tâm đối với những doanh nhân Việt nhanh nhạy, mạnh vốn, và dạn dày sương gió trên thương trường.

Nếu bạn đang bế tắc trong việc tìm kênh đầu tư, sao không thử khởi nghiệp theo cách này xem sao?