co-phieu

Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE hôm qua đã đạt kỷ lục trên 17.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trước đánh giá tích cực của World Bank về triển vọng kinh tế Việt Nam, với dự báo tăng trưởng ở mức 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% trong các năm tiếp theo. Theo đó, đóng cửa phiên hôm qua, với 269 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index tăng 2,37 điểm (+0,22%) lên 1.083,45 điểm.

Các mã MWG, REE, SBT, SSI đều tăng trên 3%; còn HPG, POW, TCH, FPT, KDH, PNJ tăng từ hơn 1-2%. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá trước thông tin trên, đặc biệt STB (+0,9%), TPB (+3,8%)…

Trong khi đó, nhóm Mid-Cap và Small-Cap vẫn giữ nhịp tăng tốt khi VNMID-Index và VNSML-Index tăng lần lượt 2,8% và 2,1%. Dòng tiền đầu cơ tiếp tục hoạt động sôi động với HAI (+6%), HQC (+7%), ITA (+6,9%), FIT (+6,4%), TTF (+3,5%).

Tuy nhiên, một số cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi thông tin Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ, lại giảm điểm, trong đó nhóm cổ phiếu dệt may như TNG (-2,5%), TCM (-2,3%) và nhóm thủy sản MPC (-2,4%), FMC (-0,6%).

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu hàng không cũng giảm điểm, như VJC (- 1,7%), HVN (-0,7%) trước lo ngại diễn biến xấu của tình hình dịch bệnh thế giới khi giới chức y tế Anh phát hiện ra biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 với khả năng lây lan nhanh hơn chủng trước đó.

Khối ngoại bán ròng nhẹ với giá trị 75 tỷ đồng toàn thị trường trong đó LCG (106 tỷ đồng), VNM (46,7 tỷ đồng), VRE (34 tỷ đồng) dẫn đầu danh sách.

Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE tiếp tục đạt kỷ lục với 756 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 14.590 tỷ đồng. Tính chung toàn thị trường, khối lượng giao dịch đạt 964,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 17.502 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 2.523 tỷ đồng.

bieu-do-vn-index

Diễn biến VN-Index 3 tháng qua.

Theo ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường dự báo có thể chịu áp lực điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp khi trạng thái quá mua ở nhiều lớp cổ phiếu đã lan tỏa trên diện rộng. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn đang tích cực với vùng kháng cự mục tiêu 1.100-1.110 điểm.

“Diễn biến thị trường dự kiến sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu theo triển vọng kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục có sự luân phiên dịch chuyển qua các dòng cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trong một vài phiên kế tiếp” – ông Trần Xuân Bách cho hay.

Theo ông Trần Xuân Bách, các nhà đầu tư giai đoạn hiện này nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 60-80% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục và có thể xem xét bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong các phiên thị trường tăng điểm hưng phấn từ đầu phiên hoặc khi chỉ số tiếp cận 1.100-1.110 điểm.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Vn-Index có thể sẽ duy trì đà tăng và có thể sớm tiệm cận mức 1.103 điểm trong vài phiên tới. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.

“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh mua mới với tỷ trọng thấp nhằm tìm kiếm thêm cơ hội ngắn hạn” – Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam khuyến nghị.