Thay đổi phương thức kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và thay đổi cách tiếp thị, bán hàng… là một số chiến lược giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do dịch Covid- 19 gây ra.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, sáng 22/4, Hội Doanh nhân trẻ Nghệ An kết hợp cùng Tổ chức Huấn luyện Doanh nghiệp toàn cầu Action Coach tổ chức hội thảo online, chia sẻ 10 chiến lược hiệu quả giúp doanh nghiệp “bật dậy” sau dịch Covid- 19.
1. Giao tiếp tích cực
Việc truyền thông trong doanh nghiệp và truyền thông tới khách hàng, đối tác, nhà cung cấp cần được duy trì và thực hiện tích cực trong đợt dịch Covid- 19. Theo phía Action Coach, chủ doanh nghiệp nên ngồi lại với nhân viên của mình để gắn kết các nhân viên, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và cùng nhau tìm ra cách thức vượt qua khủng hoảng.
Đối với khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, cần tiếp tục duy trì sự tương tác, giao tiếp theo hướng tích cực, để họ biết được rằng doanh nghiệp của bạn vẫn đang hoạt động và sẵn sàng cung cấp hoặc sử dụng các dịch vụ khi họ có nhu cầu.
2. Thay đổi chiến lược kinh doanh
Ở giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp trước hết cần sinh tồn, sau mới nghĩ tới chuyện sinh lời trong tương lai.
Điều chỉnh sản phẩm, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp nên chú trọng vào sản phẩm nào mang về lợi nhuận cao hơn nhưng công sức bỏ ra thấp hơn, dù đó không phải sản phẩm chủ đạo. Ngoài ra, cần điều chỉnh cách thức thanh toán cho khách hàng để thu tiền nhanh chóng.
Khai thác triệt để các nguồn lực trước kia bị lãng quên, ví dụ như những mối quan hệ, những người có năng lực mà trước kia ta chưa tìm đến. Tương tác nhiều hơn với khách hàng để họ đưa cho chúng ta ý tưởng để thay đổi sản phẩm tốt hơn.
3. Chuyển dịch số doanh nghiệp
Công cụ làm việc online là đòn bẩy lợi hại mà doanh nghiệp nên tận dụng tối đa để phát triển, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ, việc tổ chức một cuộc hội thảo truyền thống phải mất 1 tháng chuẩn bị với chi phí khổng lồ thì hiện nay, hội thảo qua kênh online có thể chỉ mất vài ngày chuẩn bị nhưng vẫn cam kết 100% nội dung truyền đạt.
Ngoài ra, việc phát triển công ty “không giấy” bằng cách sử dụng các ứng dụng lưu trữ tài liệu online như Google Driver sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều khoản chi phí văn phòng phẩm.
Tuy nhiên, theo phía Action Coach, quản trị nhân sự online cũng là thách thức, bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách điều hành nhân sự, nếu không sẽ tạo ra “lỗ hổng cảm xúc”, làm mất đi năng lượng làm việc.
Vì vậy, người điều hành doanh nghiệp cần có sự tương tác hàng ngày với nhân sự. Ngoài việc triển khai và quản lý công việc, đội ngũ nhân sự có thể cùng nhau chia sẻ niềm vui hoặc những vấn đề trong cuộc sống, thậm chí tập thể dục cùng nhau.
Một số công cụ online doanh nghiệp có thể sử dụng để tương tác như Vmeet, Vroom, Zalo, Skype, WhatsApp, WhatsApp, Viber, Teams, Google Hangout, Google Carlander…
4. Kiểm soát để dòng tiền luôn dương
Doanh nghiệp nên đàm phán ngay với chủ cho thuê mặt bằng, ngân hàng, nhà cung cấp để cắt giảm chi phí, giãn thời hạn trả nợ. Đàm phán với nhân viên để giảm lương trong thời điểm hiện tại và có thể bù lại vào thời gian sau.
Đặc biệt khi đàm phán với ngân hàng, doanh nghiệp cần có hồ sơ đầy đủ, chứng minh mình là khách hàng uy tín của ngân hàng, tình hình khó khăn hiện tại của doanh nghiệp, kèm theo chứng từ thể hiện nguồn thu bó hẹp hoặc không có nguồn thu.
5. Thúc đẩy tiếp thị
Theo các chuyên gia của Action Coach, các chi phí trong doanh nghiệp đều có thể cắt giảm nhưng riêng chi phí tiếp thị nên cắt giảm sau cùng.
Trong thời gian này, doanh nghiệp nên tận dụng nhân viên, đối tác, bạn bè để tạo đòn bẩy trong tiếp thị. Mỗi người nhân viên có hàng trăm mối quan hệ khác nhau, chỉ cần 1 bài đăng của họ trên mạng xã hội nhưng có thể đưa sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận với hàng trăm người.
Dù doanh nghiệp bạn có thể tạm ngừng hoạt động nhưng hãy để hình ảnh của doanh nghiệp, sản phẩm luôn hiện hữu trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông để khách hàng biết được rằng bạn vẫn có sản phẩm và vẫn đang hoạt động.
6. Thay đổi chiến lược bán hàng và chăm sóc khách hàng
Đây là giai đoạn thể hiện sự đồng cảm, chăm sóc, quan tâm với khách hàng. Hãy quan tâm tới khách hàng cũ và cho họ những ưu đãi tốt để tiếp tục mua sản phẩm. Khách hàng cũ sẽ trở thành người giới thiệu sản phẩm và thậm chí giúp doanh nghiệp bán sản phẩm, việc này giúp doanh nghiệp tiết kiệm 6 lần chi phí và công sức so với việc tiếp cận khách hàng mới.
Doanh nghiệp cần xây dựng lại kịch bản bán hàng cho từng tình huống, cho từng khách hàng, cho từng sản phẩm, thậm chí phù hợp với từng tính cách nhân viên bán hàng. Đừng quên rằng, đội ngũ nhân viên cũng chính là khách hàng của doanh nghiệp.
7. Quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên
Đây là thời điểm nhân viên đang hoang mang nhất vì nhiều doanh nghiệp giảm lương, cắt việc làm. Trong khi nhiều ông chủ không biết rằng, đối thủ của họ đang nhăm nhe tuyển dụng những nhân viên giỏi từ doanh nghiệp mình.
Phân loại nhân viên thành 3 nhóm: nhóm 1 là những người tích cực và nhiệt tình (chiếm 30%), nhóm 2 là những người đi theo đám đông (chiếm 40%), nhóm 3 là những người tiêu cực (chiếm 30%). Doanh nghiệp nên tập trung đào tạo, chia sẻ và giữ chân các nhân viên nhóm 1, như vậy sẽ kéo theo những nhân viên nhóm 2.
Nên lấy ý tưởng sáng tạo, đổi mới từ nhân viên bởi họ đôi khi có ý tưởng rất hay, và họ sẽ thực hiện ý tưởng của mình nhiệt tình hơn bao giờ hết.
8. Tìm kiếm những kênh đầu tư
Doanh nghiệp phải tìm cách duy trì nguồn tiền dương để có được cơ hội đầu tư. Cơ hội đầu tư đầu tiên đến từ chính mỗi doanh nghiệp, là cơ hội để doanh nghiệp tinh gọn nội bộ và chuyển đổi số.
Cơ hội thứ 2 đến từ nhân sự, hãy lên kế hoạch thu hút nhân sự giỏi vì ở những thời điểm khác doanh nghiệp không thể chiêu mộ được. Họ là nhân tố quan trọng đưa doanh nghiệp bứt phá trong tương lai.
Cơ hội thứ 3 đến từ việc thương lượng giá và tích trữ nguồn nguyên vật liệu đầu vào tốt, giúp giá thành sản phẩm đầu ra tốt hơn, là bước đệm mạnh mẽ hơn khi trở lại thị trường. Ngoài ra, nếu có dòng tiền dự trữ lớn, doanh nghiệp có thể thu mua, chiếm lĩnh các chuỗi cung ứng, kênh đầu vào của sản phẩm để chủ động trong những tình huống gián đoạn chuỗi cung ứng như hiện nay.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên đầu tư ngay để chuyển đổi số, tận dụng cơ hội “vàng” để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Cơ hội thứ 4 đến từ vị trí mặt bằng. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp chiếm lĩnh vị trí mặt bằng tốt trong kinh doanh mà những doanh nghiệp khác trả lại hoặc bán lại. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đầu tư vào chứng khoán với những mã đầu tư rơi 30-40% của thị trường; hoặc đầu tư vàng, đầu tư thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, trong hội kinh doanh gồm nhiều doanh nghiệp, cần tạo ra sự liên minh chiến lược đầu tư, liên minh các sản phẩm. Ví dụ khách hàng đến doanh nghiệp A sẽ được ưu đãi khi mua hàng của doanh nghiệp B…, đây là cơ hội giới thiệu tất cả sản phẩm của doanh nghiệp trong hội đến khách hàng.
9. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Người chủ doanh nghiệp cần giữ được tinh thần tích cực, ngôn ngữ tính cực và tính tập trung để duy trì nguồn năng lượng tích cực. Cần tạo ra nghi thức mỗi ngày, đó tuyên ngôn cả doanh nghiệp hướng tới, nói và và thực hiện điều đó.
Doanh nghiệp cần rà soát lại tầm nhìn, giá trị cốt lõi, sứ mệnh của mình. Đào tạo, cải tạo nội bộ, thúc đẩy tinh thần học hỏi của toàn thể đội ngũ nhân viên. Thay vào tập trung vào khủng hoảng thì hãy tập trung vào cơ hội mới.
10. Lập kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch
Đây là thời điểm tốt để doanh nghiệp rà soát và điều chỉnh kế hoạch đã xây dựng, trên cơ sở phù hợp với lợi ích của toàn thể nhân viên, người lao động.
5 vấn đề doanh nghiệp cần phải quan tâm gồm nhân sự, tài chính, maketing, bán hàng, hệ thống quản lý. Hãy rà soát và thay đổi kế hoạch cho 5 vấn đề trên để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, đưa ra các kịch bản tiến và kịch bản thoái dù dịch có kết thúc sớm hay muộn, và phương án khi trở lại thị trường.
Theo Thế giới tiếp thị