Một năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã đưa quan hệ thương mại 2 bên lên tầm cao mới. Dư địa để 2 nước khai thác tiềm năng của hiệp định này còn rất lớn…
Nhìn lại 1 năm thực thi hiệp định, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cũng thừa nhận, quan hệ kinh tế hai bên có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Dù thời gian thực thi hiệp định còn tương đối ngắn để có đánh giá đầy đủ nhưng với số liệu ban đầu có thể thấy quá trình thực thi đã mang lại kết quả tích cực với cả hai bên.
Ông Thái phân tích, UKVFTA đã đưa quan hệ thương mại 2 bên lên tầm cao mới. Trước đây, khi cả giai đoạn đầu chúng ta còn khó khăn, quan hệ thương mại giữa hai bên chủ yếu dựa trên ưu đãi đơn phương của Anh dành cho Việt Nam thông qua Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đến nay, khi chúng ta đã đạt đến quy mô và trình độ nhất định, FTA là khuôn khổ “có đi có lại”.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận xét, nếu như trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và nhiều đối tác FTA khác, ít nhiều tồn tại sự cạnh tranh thì thị trường Việt Nam và Anh quốc có cơ cấu bổ sung cho nhau, gần như không có sản phẩm nào cạnh tranh trực tiếp, đối đầu.
Bên cạnh đó, hiệp định UKVTA cũng đã mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư đến từ Anh quốc. Trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ, duy trì mức đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam ở mức 4 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.
Nhờ sự ưu đãi của UKVFTA dành cho các nhà đầu tư Vương quốc Anh tại Việt Nam, các cơ hội luôn sẵn có trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như giáo dục, Vương quốc Anh là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành giáo dục của Việt Nam. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam thích giáo dục tư thục hơn các trường công lập, tạo ra một thị trường rộng lớn cho các cơ sở tư nhân, trung tâm đào tạo tiếng Anh và trường dạy nghề. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam tiếp tục mở rộng nhanh chóng và mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Vương quốc Anh.
“Những kết quả tích cực như vậy cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, tôi cho rằng dư địa để 2 nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn.” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ ra.
Nghị sĩ Graham Stuart – Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia bày tỏ sự lạc quan về hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới. Ngài nghị sĩ đánh giá cao các cam kết của Việt Nam tại COP26 vừa qua và khẳng định Vương quốc Anh luôn đồng hành của Việt Nam trong các dự án phát triển bền vững như các dự án điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, nghị sĩ Stuart cũng mong muốn hai bên tăng cường thúc đẩy chuỗi cung ứng, hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra trong hiệp định này.
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại hai bên, theo ông Thái đòi hỏi nhiều vấn đề khác mà hai bên cần hợp tác trong thời gian tới như tăng cường giao lưu doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy xúc tiến thương mại- đầu tư…
“Tới đây hai bên sẽ họp tổng kết 1 năm thực hiện hiệp định để đề ra những định hướng mới, điều chỉnh những bất cập như quy tắc xuất xứ, cấp phép hạn ngạch… Cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần quan tâm nhiều hơn tới hiệp định nhằm thúc đẩy quan hệ hai bên trong thời gian tới để phát huy tiềm năng, lợi thế của hai nước”, ông Thái cho biết và khuyến nghị.
Trên thực tế, năm 2022 sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam vì đất nước có thể sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch sau các đợt đóng cửa nghiêm ngặt và ngừng sản xuất. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong năm ngoái cũng đang mong muốn tăng cường thương mại và doanh thu vì họ tìm cách hạn chế thua lỗ so với năm ngoái.
Do đó, các FTA sẽ đóng một vai trò ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước khi các doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi. Chính phủ quan tâm đến việc thúc đẩy các FTA và đã vạch ra các bước để giúp các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định đó. Mặc dù sẽ có những thách thức, chẳng hạn giá cước vận tải biển vẫn ở mức cao do lượng container bị hạn chế ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cũng làm tăng chi phí nguyên vật liệu cũng như thời gian giao hàng cao hơn. Các thủ tục hành chính phức tạp, sự chậm trễ của hải quan và cơ sở hạ tầng cũng là những yếu tố cản trở các doanh nghiệp tận dụng các FTA.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã sẵn sàng mở rộng phạm vi kinh doanh. Chính phủ Việt Nam nhận ra triển vọng này và đã đưa ra các chính sách thân thiện nhằm thu hút đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Trong khi các biến thể COVID-19 có thể xuất hiện, tỉ lệ tiêm chủng cao của Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp mở cửa. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhắc lại kế hoạch duy trì mở cửa các nhà máy với cách tiếp cận thích ứng linh hoạt với COVID-19.
Đỗ Huyền